Độc lạ các món gỏi miền Tây thanh mát nghe tên đã muốn thử, vừa thử là mê ngay!
Các món gỏi miền Tây nổi tiếng là độc đáo khi được chế biến từ vô vàn sản vật của địa phương, từ các loại củ quả cho đến hoa trái đặc sắc. Gỏi bông điên điển, gỏi sầu đâu, gỏi bưởi tôm thịt,... đều là những món ăn không chỉ đẹp mắt mà hương vị còn vô cùng đặc biệt.
Trong đa dạng các món gỏi miền Tây đặc sắc, nếu bạn chưa biết lựa chọn món nào cho mâm cơm đãi khách, hãy tham khảo những gợi ý dưới đây nhé! FPT Shop mách bạn 12 món gỏi miền Tây thanh mát, “giải ngấy” hiệu quả và dễ làm.
1. Gỏi bưởi tôm thịt
Không chỉ là một loại trái cây tráng miệng giàu vitamin và khoáng chất, với vị chua ngọt thanh mát dễ ăn, quả bưởi còn có thể được sử dụng làm nguyên liệu cho các món gỏi của miền Tây. Đơn giản và dễ làm nhất có lẽ là gỏi bưởi tôm thịt, kết hợp với một số loại rau củ khác như cà rốt, củ cải trắng, rau thơm cùng nước trộn chua ngọt cay tê hấp dẫn.
Gỏi bưởi tôm thịt cực kỳ thích hợp thêm vào thực đơn những ngày có nhiều món ăn dầu mỡ với tác dụng “chống ngán” hiệu quả.
2. Gỏi gà mãng cầu xiêm
Nếu “vựa” măng cụt Bình Dương có gỏi gà măng cụt, thì miền Tây sông nước có gỏi gà mãng cầu xiêm lạ miệng và thơm ngon không kém. Thay vì sử dụng những trái xanh non như gỏi gà măng cụt, với món gỏi mãng cầu xiêm, bạn sẽ chọn những trái già, đã chín nhưng vẫn cứng. Mãng cầu được gọt bỏ vỏ, thái thành những miếng vừa ăn và ngâm nước chanh loãng để giữ được độ giòn hoàn hảo.
Mãng cầu giòn sần sật trộn với thịt gà xé, hòa quyện cùng nước trộn chua ngọt chắc chắn sẽ khiến bạn thích mê!
3. Gỏi tép bông điên điển
Nói đến đặc sản miền Tây không thể không nhắc tới các món gỏi từ bông điên điển. Cây điên điển chỉ xuất hiện ở miền Tây vào mùa nước nổi, vì vậy ai cũng muốn tranh thủ chế biến món ăn này để thưởng thức trước khi hết mùa.
Hoa điên điển có màu vàng nổi bật, mùi hơi hăng. Bạn có thể trộn bông điên điển với thịt gà, tôm thịt hay trộn chay, nhưng phiên bản độc đáo nhất chắc hẳn là gỏi tép bông điên điển. Tép đồng tươi giòn ngọt được rang vừa chín tới, kết hợp với vị bùi bùi của bông điên điển tạo nên món gỏi hấp dẫn mà lại bắt mắt.
4. Gói sầu đâu khô cá lóc
Nhiều người cảm thấy khá lạ lẫm khi nghe đến tên của món ăn này, nhưng thực chất gỏi sầu đâu là đặc sản vô cùng nổi tiếng của miền Tây. Gỏi sầu đâu không thể thiếu khô cá lóc, một sự kết hợp hoàn hảo giữa vị đắng nhưng hậu vị ngọt, tươi mát của lá sầu đâu với vị đậm đà của khô cá. Nước trộn của món gỏi này thường lấy vị chua từ cốt me thay vì chanh hay giấm, càng làm tăng thêm hương vị độc đáo. Ngoài khô cá lóc, người ta còn sử dụng khô cá sặc cho các món gỏi sầu đâu.
Đặc biệt, bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng lá sầu đâu mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe như chống vi khuẩn, chống giun đường ruột, loét da, giảm triệu chứng buồn nôn, ăn không ngon,… Vì vậy đây là món gỏi có thể thưởng thức thường xuyên trong các bữa ăn hàng ngày.
5. Gỏi củ hủ dừa
Một trong số các món gỏi thường xuất hiện trong những bữa ăn của người miền Tây là gỏi củ hủ dừa. Chỉ những cây dừa già có ngọn cây cao mới có củ hủ dừa, hay còn được gọi là cổ hữu dừa, đọt dừa. Củ hủ dừa có vị giòn giòn ngọt tự nhiên, trắng nõn nên thường được dùng để trộn gỏi với thịt gà, dạ dày heo hải sản như tôm mực, hay trộn chay với vị nước trộn vị chua ngọt.
Củ hủ dừa khá dễ sơ chế, bạn chỉ cần cắt bỏ phần thâm đen và rửa sạch với nước rồi thái miếng nhỏ vừa ăn. Ngâm củ hủ dừa với nước giấm/ nước chanh pha loãng để không bị thâm, cho thành phẩm món ăn ngon mắt hơn.
6. Gỏi đu đủ
Gỏi đu đủ luôn là sự lựa chọn lý tưởng mỗi khi các bà nội trợ không biết làm món gỏi nào vừa ngon vừa nhanh chóng. Nguyên liệu đơn giản này có thể kết hợp với tôm thịt, tép khô, thịt gà hoặc trộn chay với các loại rau củ khác. Đu đủ tươi giòn sần sật quyện với nước trộn mắm chua ngọt, đậu phộng rang bùi bùi thì còn gì tuyệt vời hơn!
7. Gỏi bồn bồn
Bồn bồn là loại rau dại mọc phổ biến ở vùng sông nước miền Tây, và gỏi bồn bồn là một trong các loại gỏi đặc trưng nhất của đất rừng phương Nam. Bồn bồn sau khi nhặt sạch sẽ đem cắt khúc và ngâm với nước có cốt chanh để giữ được màu trắng đẹp mắt và giòn lâu hơn. Nguyên liệu trộn gỏi bồn bồn không thể thiếu thịt ba chỉ luộc và tôm sú hấp, cùng với rau răm và nước mắm chua ngọt.
Nhiều người thích ăn gỏi bồn bồn với tai heo giòn sần sật vui miệng, cũng có người trộn bồn bồn với thịt gà hay thịt bò tái lăn. Dù là phiên bản nào thì đây cũng là món ăn bạn nhất định nên thử làm một lần.
8. Gỏi ngó sen
Gỏi ngó sen tai heo là món gỏi cực kỳ dễ làm, thích hợp cho những bữa cơm gia đình hay tụ họp cùng người thân, bạn bè. Bí quyết để ngó sen giòn và có màu trắng đẹp mắt đó là sau khi cắt, bạn hãy đem ngâm trong nước pha loãng với nước cốt chanh và muối. Tai heo muốn giòn ngon thì luộc xong cần ngâm ngay vào thau nước đá lạnh rồi mới đem thái mỏng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách làm gỏi ngó sen tôm thịt cũng rất đơn giản.
9. Gỏi ba khía
Trong top các món gỏi miền Tây đặc sắc nhất không thể thiếu gỏi ba khía. Đây là một đặc sản của sông nước miền Tây cùng họ với cua, thường được chế biến thành món ăn sống, đem muối, làm gỏi hoặc làm mắm. Vị của ba khía sau khi muối đậm đà, kết hợp với vị chua của xoài xanh rất hợp. Trộn ba khía với đu đủ xanh, cà rốt bào kiểu chua ngọt cũng là cách làm được nhiều người yêu thích.
10. Gỏi rau càng cua
Rau càng cua giòn ngon, chua nhẹ, rất thích hợp để chế biến các món gỏi. Gỏi rau càng cua chay thanh đạm hết sức đơn giản mà lại “bắt miệng”, chỉ cần kết hợp với nước trộn chua ngọt chuẩn vị, tỏi băm và chút đậu phộng rang. Để thêm phần hấp dẫn và dinh dưỡng cho món ăn, bạn có thể làm gỏi rau càng cua với sứa, tôm thịt, tai heo hay thịt bò, ba chỉ luộc, tép đồng tươi rang chín tới,…
11. Gỏi xoài khô cá sặc
Người miền Tây thường chế biến nhiều món ăn từ khô cá, trong đó các món gỏi khô cá sặc rất được yêu thích. Cá sặc khi đã được tẩm ướp và phơi khô dưới nắng to dai ngon, có vị đậm đà và cay tê, để giảm bớt độ mặn người ta thường trộn với xoài xanh chua chua giòn giòn. Một cách khác là trộn khô cá sặc với dưa leo và nước mắm chua ngọt.
Đây đều là những món nhậu “cực đỉnh” cho buổi tụ tập gia đình, bạn bè mà bạn có thể thực hiện nhanh chóng.
12. Gỏi hoa bần tôm thịt
Nếu từng có dịp ghé thăm sông nước miền Tây, có lẽ bạn đã được thử món gỏi hoa bần. Trong số các món gỏi làm từ hoa bần thì gỏi hoa bần tôm thịt ăn với bánh phồng tôm được yêu thích hơn cả. Hoa bần có màu hồng tím đẹp mắt, vị chát nên sẽ được trộn cùng khế chua, nước mắm chua ngọt, tôm nướng bóc nõn và thịt ba chỉ thái mỏng để cân bằng hương vị.
Tạm kết
Trên đây, bạn vừa cùng FPT Shop tìm hiểu 12 loại gỏi phổ biến của miền Tây. Các món gỏi này đều có hương vị thanh mát, dễ ăn, dễ làm và cũng vô cùng bắt mắt, rất thích hợp để bạn trổ tài chiêu đãi cả gia đình.
Nếu có nhu cầu mua sắm các thiết bị nhà bếp phục vụ nấu nhiều món ăn ngon nhanh chóng, tiện lợi hơn, bạn hãy tham khảo sản phẩm tại FPT Shop nhé! Xem nồi chiên không dầu giá tốt tại đây:
Xem thêm:
Bổ sung 15+ cách làm gỏi bò thơm ngon và bổ dưỡng cho thực đơn gia đình bạn
Tổng hợp 10 món gỏi chay thanh đạm, thơm ngon dễ thực hiện mà bạn nên ăn thử