Ép xung CPU là gì? Việc ép xung CPU laptop và PC đem lại lợi ích thế nào?
Công nghệ ép xung CPU từ lâu đã được biết đến như một giải pháp hiệu quả để thúc đẩy hiệu năng trên các dòng laptop. Vậy ép xung laptop là gì và việc này đem lại lợi ích cũng như rủi ro gì?
Ép xung CPU là gì? Tại sao phải ép xung?
Ép xung laptop là công nghệ đẩy cao xung nhịp chip laptop, từ đó giúp CPU hoặc GPU vận hành ở tốc độ cao hơn so với tốc độ thiết lập ban đầu. Điều thú vị là bạn còn có thể thực hiện ép xung trên nhiều bộ phận khác của laptop như card màn hình, RAM hoặc chip trên mainboard máy tính.
Xung nhịp là số chu kỳ mà CPU có thể hoàn tất trong một thời gian nhất định, thường được tính bằng giây và thống kê theo đơn vị Hertz (Hz). Số xung nhịp càng cao, chip xử lý càng hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả hơn do thực hiện được nhiều phép tính trên một giây hơn. Đây là lý do ép xung có thể gia tăng sức mạnh CPU.
Về câu hỏi tại sao phải ép xung, thì thao tác này thường được dùng trên các dòng laptop hoặc máy tính đã cũ. Khi mà hiệu suất vận hành đã không còn được như ban đầu để đẩy nhanh xung nhịp và giúp CPU vận hành tốt hơn. Hầu hết các dòng laptop mới đều được trang bị con chip cùng với thông số cấu hình đủ mạnh để phục vụ người dùng và không cần phải ép xung.
Dù vậy, một số người có nhu cầu cao với hiệu năng laptop hoặc máy tính như giới game thủ cũng thường ép xung GPU để đạt được trải nghiệm tốt nhất khi chơi game.
Ưu và nhược điểm của ép xung
Nếu như việc ép xung CPU có thể đẩy mạnh hiệu năng để đem lại trải nghiệm tốt hơn thì tại sao các nhà sản xuất không thực hiện ngay từ nhà máy mà chỉ có những người dùng laptop đã cũ nên thực hiện? Thực tế, hành động này có nhiều ưu điểm nhưng cũng tồn tại không ít nhược điểm.
Ưu điểm của ép xung CPU
- Nâng cao sức mạnh laptop: Như đã nói ở trên, ép xung CPU giúp thúc đẩy hiệu năng laptop và máy tính. Nhiều phần mềm chuyên dụng hoặc tựa game đồ họa cao đòi hỏi cấu hình máy tính phải đáp ứng được thì mới có thể hoạt động. Ép xung CPU trở thành cứu cánh trong những trường hợp này để bạn đạt được mục đích sử dụng mà không cần nâng cấp CPU hay phần cứng.
- Giúp bạn tiết kiệm: Không cần nâng cấp phần cứng, bạn sẽ tiết kiệm chi phí mà vẫn có được trải nghiệm mình cần. Nhiều game thủ thường thực hiện ép xung để chơi game với các bộ GPU giá phải chăng – đây thường là linh kiện khá đắt đỏ trong thời buổi hiện nay.
- Tận dụng hết tiềm năng thiết bị: Với những mẫu laptop cũ, hành động ép xung CPU sẽ giúp chủ nhân thiết bị tận dụng toàn bộ tiềm năng thiết bị trước khi quyết định đổi sang sản phẩm mới.
- Nâng tầm hệ thống linh kiện: Sau một thời gian dài hoạt động, hệ thống linh kiện trong máy tính sẽ dần cũ đi. Lúc này, ép xung sẽ giúp bạn nâng tầm sức mạnh của các linh kiện cũ. Điều này thực sự cần thiết với những yếu tố phần cứng không tháo rời được.
Nhược điểm của ép xung CPU
- Dễ gây hư hại linh kiện: Nhà sản xuất thiết lập ngưỡng hoạt động ban đầu của CPU, GPU và các linh kiện nhằm đảm bảo các bộ phận này có thể sử dụng bền bỉ đúng dự kiến. Tuy nhiên, thao tác ép xung thức đẩy nhịp độ vận hành ở tần suất cao sẽ dẫn đến hiện tượng quá tải và có khả năng gây hư hại phần cứng.
- Ngốn điện nhiều hơn: Ép xung CPU đồng nghĩa với việc thực hiện nhiều phép tính hơn mỗi giây, và để làm được điều này CPU máy tính cần nhiều năng lượng hơn. Nhiều trường hợp ép xung còn dẫn đến laptop ngốn điện gấp đôi bình thường. Tuy tiết kiệm chi phí nâng cấp phần cứng mới, nhưng lại tiêu hao thêm chi phí sử dụng điện.
- Tỏa nhiều nhiệt lượng hơn: Ngốn nhiều điện hơn, hoạt động với tần suất cao hơn nên CPU, GPU lúc này tỏa ra lượng nhiệt dư thừa khá đáng kể. Trong khi đó, quạt tản nhiệt ban đầu chỉ được thiết kế cho mức nhiệt thông thường và không đủ hiệu quả nếu bạn ép xung CPU. Điều này có thể dẫn tới tình trạng giảm tuổi thọ máy nếu không kịp thời trang bị hệ thống làm mát phù hợp hơn.
- Ảnh hưởng đến chế độ bảo hành: Trừ trường hợp bạn đang sử dụng phần cứng được thiết kế nhằm hỗ trợ ép xung, còn lại đa phần các nhà sản xuất sẽ không bảo hành nếu nhận thấy linh kiện hư hại đã có dấu hiệu ép xung. Do đó, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Các bước ép xung CPU
Do hành động ép xung CPU tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bảo hành cũng như độ bền linh kiện, nên bạn cần suy xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện. Đặc biệt lưu ý việc phần cứng muốn ép xung có được nhà sản xuất hỗ trợ hay không. Sau khi đã chắc chắn về quyết định, bạn thực hiện theo các bước dưới đây:
Xác định nhiệt độ và tính ổn định của CPU
Do cơ chế ép xung CPU làm tăng nhiệt độ đáng kể nên bạn cần xác định mức nhiệt tối đa để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Bạn cần sự hỗ trợ của phần mềm Core Temp.
Sau khi hoàn tất việc tải về và cài đặt, bạn mở phần mềm lên và theo dõi nhiệt độ CPU hiện tại. Nên chú ý vào mức nhiệt của nhân xử lý thấp nhất bởi điều này sẽ giúp bạn nhận biết rõ nhiệt độ CPU sẽ chạm ngưỡng bao nhiêu khi máy vận hành ở tình trạng tối đa.
Xác minh tính ổn định của CPU khi làm việc tần suất cao
Nhằm phòng tránh tình trạng quá nhiệt và có thể gây hư hại khi ép xung CPU, bạn cần tải về và sử dụng phần mềm Prime95 để đo đạc kiểm tra khả năng vận hành của CPU khi phải làm việc với cường độ cao. Sau khi tải về và cài đặt, bạn hãy thực hiện các tác vụ thật nặng sao cho CPU hoạt động tối đa, lúc này hãy theo dõi quá trình CPU thực hiện các tác vụ để đưa ra đánh giá.
Ép xung thông qua BIOS hoặc UEFI
Sau khi có cơ sở để nhận định laptop của mình đủ điều kiện để ép xung CPU, bạn thực hiện việc ép xung thông qua UEFI hoặc BIOS máy tính (nếu dùng các dòng máy đã cũ).
- Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + I rồi chọn Update & Security.
- Bước 2: Click chọn ở mục Recovery.
- Bước 3: Tại phần Advanced startup, bạn click để chọn Restart now.
- Bước 4: Chờ một chút để laptop tái khởi động, sau đó click vào Troubleshoot tại menu tùy chọn.
- Bước 5: Vào theo đường dẫn Advanced options > UEFI Firmware Settings > Restart.
Ngoài phương pháp ép xung qua UEFI hoặc BIOS, bạn cũng có thể sử dụng một số phần mềm hỗ trợ ép xung khác để thực hiện thao tác.
Đánh giá hiệu quả của việc ép xung CPU
Công đoạn này đòi hỏi sự kiên nhẫn lớn để đảm bảo không gây hư hại thiết bị. Bạn cần tăng hệ số nhân và điện áp rồi lưu lại các thiết lập này và khởi động lại máy. Sau một lần như vậy, hãy kiểm tra lại xem hiệu quả sức mạnh cũng như sức chịu đựng của laptop ra sao thông hai công cụ là Core Temp và Prime 95.
Sau khi theo dõi sát sao loạt chỉ số, hãy so sánh điểm chuẩn cũ và mới để thấy được hiệu năng máy có được như mong muốn sau khi ép xung CPU.
Có nên ép xung CPU cho laptop/PC của bạn?
Chỉ có bạn mới là người trả lời được câu hỏi này bởi việc nên hay không nên ép xung CPU sẽ căn cứ trên nhu cầu, điều kiện tài chính, sở thích và nhu cầu trải nghiệm của bạn.
Do việc ép xung CPU có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hư hại cũng như ảnh hưởng bảo hành, nên bạn cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định thực hiện. Ngoài ra, hãy làm các bước thật cẩn thận, tỉ mỉ để đạt được hiệu quả tốt nhất cũng như cảm bảo an toàn cho thiết bị.