GHz là gì? Nó có quan trọng không?
Thứ quyết định đến việc CPU hoạt động hiệu quả hay không chính là tốc độ của nó và được biểu thị bằng kí tự GHz. Vậy thì GHz là gì?
GHz là yếu tố được chú ý rất nhiều khi chọn mua chip và nói lên nhiều điều về xung nhịp chip. Nếu bạn tò mò về thông số này và tầm ảnh hưởng của nó tới hệ thống máy tính, hãy cùng FPT Shop tìm hiểu đôi chút về GHz qua vài gạch đầu dòng dưới đây.
Chỉ số GHz là gì?
GHz (Gigahertz) là đơn vị chuyên sử dụng để đo tần số dao động trong một giây của, thường được áp dụng phổ biến trong ngành công nghiệp máy tính để tính toán tốc độ xung nhịp CPU. Theo quy đổi quốc tế, 1GHz đại diện cho 1.000.000.000 (1 tỷ) dao động trên một giây, chỉ số GHz càng cao, chip xử lý càng mạnh mẽ và hoạt động hiệu quả.
Có thể hiểu một cách đơn giản rằng hiệu suất hoạt động của CPU sẽ là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất tác động trực tiếp đến tốc độ thực thi các chương trình được yêu cầu. Hiệu suất này sẽ được đo bằng đơn vị Gigahertz và viết tắt là GHz như chúng ta đã thấy. GHz còn được gọi là tốc độ xung nhịp (hoặc tần số).
2 cách xem chỉ số GHz của chip máy tính
Truy cập thông tin của nhà sản xuất hoặc đơn vị phân phối
Cách đơn giản nhất để biết được CPU của bạn có tốc độ bao nhiêu GHz là bạn hãy truy cập trực tiếp website nhà sản xuất và nhập tên chip. Trong trường hợp chip của bạn đã quá cũ, bạn có thể truy cập vào trang web của nhà phân phối bộ PC/laptop hoặc chip xử lý để tìm kiếm thông tin xung nhịp.
Xem trên giao diện Windows
Cách thứ hai để xem chỉ số GHz của CPU là bạn có thể sử dụng giao diện Properties trên Windows, các bước thực hiện như sau:
- Bước 1: Click chuột phải vào biểu tượng This PC > Properties.
- Bước 2: Tại đây, mục Processcor sẽ thông báo cac thông tin quan trọng về CPU của bạn như tên chip và chỉ số GHz (xung nhịp).
Cẩn trọng khi so sánh sức mạnh chip qua GHz
Tuy được xem là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức mạnh chip nhưng bạn nên cẩn trọng khi sử dụng xung nhịp chip GHz để so sánh sức mạnh giữa các bộ CPU. Yếu tố này chỉ thực sự quan trọng khi đối chiếu các con chip trong cùng một dòng và chỉ khác nhau duy nhất yếu tố xung nhịp.
Ví dụ, con chip Core i5-4670K chỉ có xung nhịp 3.4GHz vẫn sẽ mạnh hơn bộ vi xử lý Intel Core i7-3770K đời cũ hơn với mức xung nhịp cao hơn là 3.5GHz. Sự khác biệt về công nghệ khiến thế hệ chip mới có thể xử lý được nhiều tác vụ hơn trong một chu kỳ dao động, từ đó nâng tầm sức mạnh lên đáng kể.
Các cách ép xung chip để tăng GHz
Về cơ bản, tốc độ xung nhịp càng cao thì CPU hoạt động càng mạnh và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố khác mà chúng ta cần phải cân nhắc thêm.
Tốc độ xung nhịp của mỗi CPU sẽ là đơn vị đo của số chu kì mà CPU chạy được trong mỗi giây với nhiều chỉ lệnh cho nhiều chương trình khác nhau trong hệ thống. Ví dụ như tốc độ của CPU Intel Core i3-6100 là 3.7GHz thì trong 1 giây nó thực hiện được 3,7 tỷ chu kì.
Để đạt đến tốc độ xung nhịp cao hơn thì chúng ta sẽ có 2 cách:
- Ép xung CPU bằng các phần mềm cũng như phần cứng chuyên dụng, tuy nhiên cách này chỉ dành cho những tay chơi PC có kinh nghiệm cũng như kèm theo một hệ thống tản nhiệt phù hợp. Một số dòng CPU của Intel có thể ép xung được sẽ có kí tự K đằng sau, ví dụ Intel Core i9-10900K.
- Sử dụng các mẫu CPU thế hệ mới thay cho CPU cũ. CPU thế hệ mới sẽ có những tính năng mới bổ trợ tốt hơn, kiến trúc mới và tiến trình sản xuất mới nên hiệu năng hoạt động thường sẽ tốt hơn rất nhiều so với thế hệ cũ.
Tốc độ xung nhịp sẽ có 2 loại: cơ bản và Turbo. Tốc độ xung nhịp cơ bản là tốc độ gốc ban đầu, còn tốc độ Turbo là tốc độ đã được ép xung và đẩy lên một mức mới. Intel có nhiều dòng CPU hỗ trợ công nghệ Turbo Boost thông minh này.
Sức mạnh của chip có phụ thuộc hoàn toàn bởi GHz?
Thực chất, GHz chỉ là một trong những yếu tố đánh giá sức mạnh của chip. Để nhận định một bộ vi xử lý có thực sự hoạt động hiệu quả hay không, bạn còn cần nhìn nhận cả các yếu tố khác như thế hệ chip, số nhân của chip, bộ nhớ cache, độ rộng của address bus và độ rộng data bus.
GHz là đại lượng để nhận biết chỉ số xung nhịp chip, nhưng một con chip đời cũ với xung nhịp nhanh vẫn không mạnh mẽ bằng một bộ vi xử lý đời mới với xung nhịp thấp hơn.
Ví dụ đơn giản là chip Intel Core i7 thế hệ 8 xung nhip 4.6GHz chắc chắn sẽ không mạnh bằng một bộ vi xử lý Intel Core i5 thế hệ 12 xung nhịp 3.7GHz. Ở đây, tiến trình sản xuất và công nghệ chip sẽ giúp bộ vi xử lý ra đời sau hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Do đó, bạn chỉ nên xem GHz (xung nhịp chip) là một chỉ số tham khảo khi đánh giá hiệu năng của bộ vi xử lý nào đó.
Xem thêm:
Kết nối HDMI là gì? Cổng HDMI ARC là gì?