Cách xây dựng thực đơn hàng ngày cho gia đình đa thế hệ vừa tiết kiệm, vừa đủ dinh dưỡng
https://fptshop.com.vn/https://fptshop.com.vn/
Chiến Nguyễn
3 tháng trước

Cách xây dựng thực đơn hàng ngày cho gia đình đa thế hệ vừa tiết kiệm, vừa đủ dinh dưỡng

Mời các bạn cùng tìm hiểu cách xây dựng thực đơn hàng ngày cho gia đình, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đầy đủ các dưỡng chất quan trọng. Với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này, chắc chắn bạn sẽ có được những thực đơn phù hợp cho cả gia đình mỗi ngày. Cùng tìm hiểu ngay bạn nhé!

Chia sẻ:
Cỡ chữ nhỏ
Cỡ chữ lớn
Nội dung bài viết
Giá trị ý nghĩa của bữa cơm gia đình
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho gia đình
Nguyên tắc xây dựng thực đơn
Gợi ý lựa chọn thực phẩm và tỉ lệ trong bữa ăn
Gợi ý thực đơn tuần cho gia đình
Cách khuyến khích gia đình dùng bữa cùng nhau
Lời kết

Bữa ăn gia đình từ lâu đã trở thành một nét văn hóa độc đáo, nơi mọi thành viên quây quần bên nhau, gắn kết qua những món ăn ấm cúng. Đối với gia đình có nhiều thế hệ, việc xây dựng một thực đơn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho từng thành viên là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về phương pháp xây dựng thực đơn, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ chi tiết về chế độ dinh dưỡng phù hợp và gợi ý cách kết hợp các món ăn khoa học, đầy đủ dưỡng chất nhưng vẫn đảm bảo tính kinh tế và sở thích của mọi người trong nhà.

Giá trị ý nghĩa của bữa cơm gia đình

Bữa cơm gia đình là khoảng thời gian mọi người nạp năng lượng cho cơ thể, là khoảnh khắc quý báu để gắn kết tình cảm. Trong nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình có xu hướng ăn riêng lẻ, mỗi người một giờ giấc, một sở thích… khiến bữa cơm chung ngày càng thưa dần. Thế nhưng, nếu ý thức được giá trị về mặt tinh thần lẫn dinh dưỡng, việc sắp xếp một bữa ăn chung trong ngày, dù chỉ đơn giản, cũng mang đến nhiều lợi ích.

xây dựng thực đơn 10

  • Gắn kết các thế hệ: Trẻ nhỏ có cơ hội lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện từ ông bà, cha mẹ. Trong khi đó, người lớn tuổi cảm thấy được quan tâm khi các thành viên cùng hỏi han và dành thời gian cho mình.
  • Truyền tải giá trị gia đình: Thông qua bữa cơm, trẻ nhỏ học được cách tôn trọng, biết ơn công sức nấu nướng của người nấu, qua đó trân quý thêm những giá trị truyền thống.
  • Dinh dưỡng đa dạng, lành mạnh: Bữa cơm gia đình do chính tay người thân chuẩn bị thường lành mạnh hơn, vì người nấu quan tâm đến khẩu phần, cách chế biến, đồng thời biết rõ sở thích, tình trạng sức khỏe của mỗi người để điều chỉnh.
  • Tiết kiệm chi phí: Khi ăn uống ở nhà, bạn có thể mua nguyên liệu tại các cửa hàng, siêu thị hay chợ với giá cả hợp lý. Việc tự tay nấu nướng cũng giúp kiểm soát chi phí tốt hơn so với ăn ngoài.

xây dựng thực đơn 3

Việc xác định được tầm quan trọng của bữa cơm gia đình chính là bước đệm ban đầu để bạn bắt tay vào xây dựng thực đơn khoa học và đầy đủ dinh dưỡng.

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho gia đình

Theo tham vấn của các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn uống phù hợp cần dựa trên đặc điểm sinh lý và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi nhóm đối tượng trong gia đình. Dưới đây là những chia sẻ chi tiết về nhu cầu của từng nhóm và cách lựa chọn thực phẩm:

Phụ nữ mang thai

Trong thời gian mang thai, mẹ bầu phải ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể mình và nuôi dưỡng bào thai. Do đó, việc bổ sung đầy đủ các dưỡng chất như omega-3, DHA, sắt, canxi, vitamin B12… là vô cùng quan trọng. Các nguồn thực phẩm giàu các dưỡng chất này thường đến từ ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, các loại đậu), thịt, cá béo (cá hồi, cá thu), trứng, sữa, rau củ quả (cà chua, bông cải xanh, cà rốt) và trái cây tươi (chuối, táo, cam…).

xây dựng thực đơn 7

Trong 3 tháng đầu, do bà bầu phải trải qua giai đoạn ốm nghén, có thể ăn ít hơn hoặc ăn thành nhiều bữa nhỏ để giảm cảm giác buồn nôn. Khi này, việc chia ra 1 - 2 bữa phụ mỗi ngày như uống sữa, ăn bánh quy nhạt hoặc trái cây sẽ giúp mẹ bầu tránh bị đói, đảm bảo năng lượng. Từ tháng thứ 4 trở đi, mẹ bầu bắt đầu tăng nhu cầu năng lượng. Mỗi ngày cần bổ sung thêm khoảng 250 - 450 kcal so với mức bình thường, đồng thời vẫn duy trì chế độ ăn giàu đạm, vitamin và khoáng chất.

Cho trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời nên được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ vì sữa mẹ chứa kháng thể giúp tăng cường miễn dịch, đồng thời giàu dinh dưỡng phù hợp với hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ. Mẹ bầu trong thời gian cho con bú cũng phải tiếp tục ăn uống lành mạnh, ưu tiên những thực phẩm hỗ trợ nguồn sữa dồi dào, chất lượng.

xây dựng thực đơn 8

Đối với trẻ nhỏ

Trong giai đoạn từ 1 - 5 tuổi, trẻ bắt đầu làm quen với nhiều loại thức ăn hơn. Cha mẹ nên đa dạng hóa thực đơn để con vừa được thưởng thức mùi vị, vừa nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Các dưỡng chất quan trọng bao gồm chất đạm từ cả động vật lẫn thực vật (thịt nạc, cá, trứng, đậu nành...), chất béo tốt (dầu ô liu, dầu hạt cải, bơ, các loại cá biển), vitamin và khoáng chất (trái cây, rau củ, sữa, các chế phẩm từ sữa).

xây dựng thực đơn 9

Mức năng lượng khuyến nghị cho trẻ 1 - 5 tuổi thường dao động từ 1200 - 1500 kcal/ngày. Còn với trẻ lớn hơn, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì (từ 10 - 18 tuổi), nhu cầu năng lượng có thể lên tới 2200 - 2400 kcal/ngày hoặc hơn, tùy mức độ vận động. Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ tiêu thụ quá nhiều thức ăn nhanh, đồ ngọt, nước ngọt có ga… vì nguy cơ dẫn đến béo phì và tạo thói quen ăn uống không lành mạnh.

Đối với người trưởng thành

Theo thông tin từ khoa Dinh Dưỡng của Đại học Washington (năm 2016), người trưởng thành cần 6 chất dinh dưỡng thiết yếu: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước. Những chất này giúp duy trì sức đề kháng, phòng bệnh và cung cấp năng lượng cho các hoạt động trong ngày.

xây dựng thực đơn 12

Nhu cầu năng lượng trung bình của người lớn thường dao động từ 120 - 600 kcal/giờ tùy theo cường độ vận động. Người có công việc văn phòng ít vận động cần ăn ít calo hơn so với người lao động nặng hoặc tập luyện thể thao chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ đạm - đường - chất béo cũng cần được cân đối. Ví dụ, người làm văn phòng có thể ưu tiên tinh bột chuyển hóa chậm (yến mạch, gạo lứt), kết hợp thịt nạc, cá, trứng, rau xanh… Còn người vận động nhiều có thể tăng lượng đạm nhưng vẫn cần thêm rau củ quả để đảm bảo đủ các chất.

Người bệnh mãn tính và người già

Ở người cao tuổi, cơ thể dần giảm khả năng chuyển hóa, tiêu hóa, vị giác và răng miệng cũng kém hơn. Đối với người mắc bệnh mãn tính (tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu…), chế độ ăn phải được kiểm soát nghiêm ngặt hơn.

xây dựng thực đơn 11

Người lớn tuổi và người bệnh mãn tính cần hàm lượng canxi cao, vitamin D (tốt cho xương khớp), sắt, axit folic và chất xơ. Chất xơ có nhiều trong rau xanh, củ quả, trái cây, giúp hỗ trợ tiêu hóa, tránh táo bón. Lưu ý đặc biệt, nên hạn chế ăn mặn, giảm muối, đường, hạn chế nội tạng động vật (như óc, gan, tim, ruột, dạ dày…), đồng thời tránh thức ăn chế biến sẵn nhiều dầu mỡ. Tăng cường ăn cá, nhất là cá biển giàu omega-3, rất tốt cho người già và người bị bệnh mãn tính.

Nguyên tắc xây dựng thực đơn

Sau khi phân nhóm các thành viên theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe, bạn có thể bắt đầu lên danh sách thực phẩm và phương pháp chế biến. Dưới đây là 4 nguyên tắc quan trọng cần ghi nhớ:

  • Đảm bảo số lượng và chất lượng món ăn: Món ăn phải phù hợp với sở thích của mỗi thành viên nhưng vẫn đúng nhu cầu dinh dưỡng. Người cao tuổi có thể hạn chế món chiên xào quá nhiều dầu mỡ, trong khi trẻ nhỏ cần các món bắt mắt để thu hút, kích thích ăn uống. Ưu tiên nhóm thực phẩm tươi, sạch, an toàn, đồng thời chú trọng cách nấu để giữ lại tối đa chất dinh dưỡng.

xây dựng thực đơn 5

  • Đa dạng cách chế biến: Thực đơn nên có sự luân phiên giữa các phương pháp nấu nướng: xào, hấp, chưng, luộc, kho… Giúp cho bữa ăn không nhàm chán và phù hợp với khẩu vị của từng độ tuổi. Nếu tình hình tài chính gia đình cho phép, hãy thử nấu thêm các món mới từ những nguyên liệu lạ miệng, bổ dưỡng.
  • Thay đổi thực đơn thường xuyên nhưng vẫn đủ chất: Việc lặp lại một món ăn ngày này qua ngày khác sẽ khiến mọi người dễ chán. Thỉnh thoảng nên biến tấu công thức, thay đổi nguyên liệu chính. Ví dụ, thay thịt lợn bằng thịt gà, cá hay tôm; rau xào thì có thể đổi thành rau luộc kèm nước chấm.

xây dựng thực đơn 4

  • Lưu ý: Dù thay đổi, vẫn phải bảo đảm 4 nhóm chính: bột đường - đạm - béo - vitamin và khoáng chất. Đặt ưu tiên sức khỏe cho mẹ bầu, trẻ sơ sinh và người lớn tuổi. Trong cùng một bữa ăn, hãy chuẩn bị món riêng hoặc cách chế biến riêng phù hợp cho nhóm đối tượng này. Ví dụ, với mẹ bầu, hạn chế thức ăn tái sống như gỏi, sushi…; với người già, tránh món quá cứng, quá dai, giúp họ dễ nhai và tiêu hóa.

Gợi ý lựa chọn thực phẩm và tỉ lệ trong bữa ăn

Để bữa cơm gia đình đầy đủ dưỡng chất và đáp ứng nhu cầu của nhiều thế hệ, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:

  • Dầu ăn và chất béo: Thay thế dầu động vật bằng dầu thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành… Loại dầu này chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, không bão hòa đa, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Rau củ và trái cây: Rau xanh và trái cây nên chiếm khoảng 1/2 khẩu phần trong bữa ăn. Đây là nguồn cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cường đề kháng. Nên lựa chọn rau, củ, quả tươi theo mùa, hạn chế rau quả đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản.
  • Thực phẩm giàu đạm (protein): Chiếm từ 1/4 đến 1/2 bữa ăn, tùy nhu cầu dung nạp của mỗi thành viên. Ví dụ: Người lao động nặng hoặc trẻ đang tuổi dậy thì có thể cần nhiều đạm hơn. Người lớn tuổi hoặc mẹ bầu cần đạm chất lượng cao nhưng với lượng vừa phải, tránh quá tải cho thận. Nguồn đạm có thể từ thịt nạc, cá, hải sản, trứng, sữa, các loại hạt (đậu nành, đậu xanh, đậu đen…).
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Nên để ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch, bắp…) chiếm khoảng 1/4 bữa ăn. Chúng có lượng chất xơ cao, các vitamin nhóm B, khoáng chất và năng lượng giúp duy trì hoạt động của cơ thể.
  • Đồ uống: Nên uống nước lọc, trà hoặc cà phê ít đường, hạn chế nước ngọt có gas. Lượng đường cao gây ra nguy cơ béo phì, tiểu đường, đồng thời còn ảnh hưởng xấu đến răng miệng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc bổ sung thêm sữa chua hoặc các chế phẩm từ sữa không đường trong bữa phụ, giúp tăng cường lợi khuẩn đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt có lợi cho người cao tuổi.

xây dựng thực đơn 6

Gợi ý thực đơn tuần cho gia đình

Dưới đây là gợi ý một số thực đơn cơ bản, bạn có thể tham khảo:

Ngày

Bữa (1)

Bữa (2)

Thứ 2

- Canh khổ qua nhồi thịt 
- Đùi gà chiên 
- Cá nục kho tiêu rau sống

- Canh rau ngót nấu tôm 
- Cá chép kho 
- Trứng ốp la

Thứ 3

- Thịt nạc heo rim 
- Bông cải xào thịt bò 
- Canh hến mướp

- Canh sườn non hầm củ 
- Thịt kho trứng 
- Tôm rim, mướp luộc

Thứ 4

- Canh cá diêu hồng 
- Dạ dày rim mật tiêu 
- Bò xào bơ

- Tôm kho 
- Canh hến nấu bầu 
- Mướp xào bắp

Thứ 5

- Canh cải nấu tôm 
- Thịt viên sốt cà chua 
- Rau xào tỏi

- Canh ngao nấu chua 
- Cá chép kho 
- Su xào trứng

Thứ 6

- Canh ngót mồng tơi 
- Gà kho gừng 
- Đậu phụ tẩm hành

- Canh trứng cà chua 
- Bánh bột lọc tôm 
- Bắp cải xào

Thứ 7

- Thịt kho trứng 
- Canh rau dền nấu tôm 
- Dưa giá chua

- Heo quay kho cải chua 
- Bánh bột lọc 
- Bò xào cần

Chủ nhật

- Cá diêu hồng chiên kèm mắm me 
- Canh đậu hũ bông hẹ 
- Cần tây xào thịt bò

- Sườn non kho quẹt 
- Canh bầu nấu tôm 
- Bắp xào

Bạn có thể linh hoạt thay đổi hoặc sắp xếp lại các món cho phù hợp với khẩu vị và điều kiện thực tế của gia đình.

Cách khuyến khích gia đình dùng bữa cùng nhau

Dù bữa cơm có đủ chất đến đâu nhưng nếu thiếu đi không khí ấm cúng, vui vẻ thì cũng không ngon miệng. Dưới đây là một số phương pháp khuyến khích mọi người trong gia đình nên dùng bữa cùng nhau và tạo ra không khí vui vẻ khi ăn:

  • Xây dựng thói quen dùng bữa cùng nhau: Cố gắng sắp xếp thời gian để cả nhà có thể ăn ít nhất một bữa chung. Có thể là bữa tối nếu ai cũng bận rộn vào ban ngày. Trẻ nhỏ được khuyến khích mời ông bà, cha mẹ cùng ăn, tạo không khí gia đình đầm ấm.
  • Khuyến khích chia sẻ câu chuyện trong bữa ăn: Mỗi thành viên có thể kể về một điều thú vị trong ngày, hoặc hỏi han nhau về công việc, học tập. Tránh biến bữa ăn thành nơi tranh luận, cãi vã. Không thúc giục hay khó chịu với người ăn chậm. Điều này giúp người già hoặc trẻ nhỏ không bị áp lực, ăn ngon miệng hơn.
  • Bố trí món ăn đa dạng: Thực đơn bữa chính nên có món mặn (thịt, cá), món rau (xào, luộc, salad), món tráng miệng (trái cây, yaourt), tạo cảm giác đầy đủ. Thỉnh thoảng, để tăng hứng thú, bạn có thể đổi mới phương pháp nấu: nấu kiểu Âu, món Nhật, món Hàn… miễn là nguyên liệu đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.

xây dựng thực đơn 2

  • Người nấu ăn làm gương: Trẻ nhỏ thường học theo người lớn. Vì vậy, nếu cha mẹ, ông bà ăn nhiều rau, ít đường, hạn chế đồ chiên rán…, trẻ cũng dần hình thành thói quen tương tự. Có thể cho trẻ tham gia chuẩn bị bữa ăn, từ việc rửa rau, nhặt rau, sắp xếp bàn ăn… để các bé thêm hào hứng với việc ăn uống.
  • Chú ý sức khỏe đặc biệt: Đừng quên người lớn tuổi có thể mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, nên bạn cần theo dõi và điều chỉnh món ăn cho phù hợp. Phụ nữ mang thai cũng có thể bị ốm nghén, khó ăn một số thực phẩm. Hãy luôn quan tâm và chuẩn bị món thay thế kịp thời.

xây dựng thực đơn 1

Lời kết

Trên đây là những gợi ý cơ bản về cách xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho từng lứa tuổi (mẹ bầu, trẻ nhỏ, người trưởng thành, người cao tuổi) và những nguyên tắc, bí quyết giúp bữa cơm gia đình thêm phần trọn vẹn. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ là nguồn tham khảo hữu ích, giúp bạn lên kế hoạch và thực hiện một thực đơn giàu dinh dưỡng, phù hợp với gia đình nhiều thế hệ. Chúc bạn thành công và luôn có những bữa cơm thơm ngon, ấm cúng bên những người thân yêu!

Bên cạnh việc xây dựng thực đơn cho gia đình, bạn cũng đừng quên sắm những bộ nồi và chảo cao cấp đang được ưa chuộng tại FPT Shop để việc nấu nướng trở nên tiện lợi hơn nhé. Bạn có thể tham khảo thêm các bộ nồi chất lượng với giá thành hấp dẫn tại đây:

Xem thêm: