12 loại thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố nếu bạn không muốn làm hỏng máy
Bạn đã biết những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố để đảm bảo hoạt động của máy chưa? Nếu chưa thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của FPT Shop để có thêm những thông tin hữu ích khi sử dụng máy xay sinh tố, đảm bảo hiệu quả và an toàn cho máy nhé.
Máy xay sinh tố có lẽ không còn là món đồ gia dụng quá xa lạ với nhiều gia đình Việt, với tính năng xay nhuyễn thực phẩm nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng phù hợp để cho vào máy xay sinh tố. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng FTP Shop dành chút thời gian tìm hiểu rõ hơn về những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố, tránh nguy cơ hỏng máy nhé!
Những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố
1. Cháo và súp nóng
Không nên cho cháo hay súp nóng vào máy xay sinh tố ngay sau khi nấu. Nguyên nhân là do hơi nóng kết hợp với tốc độ quay của lưỡi dao có thể tạo ra áp suất lớn, khiến nắp máy bật tung và gây nguy hiểm cho người sử dụng. Để an toàn, tốt nhất bạn nên để súp nguội ít nhất 10 phút trước khi xay và không đổ đầy quá nửa máy. Nếu bạn thường xuyên xay thức ăn nóng cho trẻ nhỏ, hãy cân nhắc sử dụng máy xay cầm tay, an toàn hơn khi xử lý thực phẩm nóng.
2. Khoai tây
Khoai tây là một trong những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố. Nguyên nhân là do xay khoai tây bằng máy xay sinh tố có thể làm cho khoai trở nên đặc quánh do lượng tinh bột bị sản sinh quá nhiều, khiến lưỡi dao dễ bị kẹt và máy có nguy cơ chập điện hoặc cháy nổ. Thay vì dùng máy xay, bạn nên sử dụng muỗng, nĩa hoặc dụng cụ nghiền chuyên dụng để nghiền khoai tây.
3. Các loại rau xanh
Xay các loại rau xanh trong máy xay sinh tố có thể khiến máy nhanh chóng mất đi độ thẩm mỹ, đặc biệt là nếu cối xay làm từ nhựa. Màu xanh của rau có thể bám vào nhựa, khiến cối xay bị xuống màu. Để giữ cho máy xay luôn mới, bạn nên dùng cối thủy tinh và làm lạnh rau trước khi xay.
4. Trái cây khô và trái cây đông lạnh
Trái cây khô có thể gây hỏng lưỡi dao nếu máy xay của bạn có công suất thấp, do những thành phần xơ cứng của chúng có thể bám dính vào lưỡi dao. Tốt nhất, bạn nên ngâm mềm trái cây khô trước khi xay. Đối với trái cây đông lạnh, chúng có thể quá cứng, gây hư hỏng lưỡi dao hoặc làm giảm hiệu quả hoạt động của máy. Trước khi xay, bạn nên rã đông trái cây để bảo vệ máy xay.
5. Cua đồng và thực phẩm có xương
Cua đồng và thực phẩm có xương là những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố, do chúng có thể làm lưỡi dao bị cùn hoặc gãy. Vỏ cua hoặc xương cứng có thể làm lưỡi dao không quay được, dẫn đến nguy cơ chập điện. Để xử lý các loại thực phẩm này, tốt nhất bạn nên dùng chày giã hoặc loại bỏ xương trước khi xay.
6. Gia vị nguyên hạt
Gia vị nguyên hạt không phù hợp để xay bằng máy xay sinh tố vì chúng quá khô và cứng, dễ làm hỏng lưỡi dao. Máy xay sinh tố cũng không có thiết kế phù hợp để nghiền nhỏ các hạt gia vị. Nếu bạn cần xay gia vị, hãy chọn máy xay chuyên dụng có cối xay khô.
7. Hạt cà phê
Mặc dù về mặt kỹ thuật, bạn có thể dùng máy xay sinh tố để xay hạt cà phê, nhưng điều này không được khuyến khích. Máy xay sinh tố không thể nghiền hạt cà phê một cách hoàn hảo và có thể làm mất hương vị của cà phê. Ngoài ra, việc xay cà phê bằng máy xay sinh tố có thể làm mòn lưỡi dao nhanh hơn. Tốt nhất để bạn nên sử dụng máy xay cà phê chuyên dụng nếu muốn xay hạt cà phê.
8. Đá viên cỡ lớn hoặc thực phẩm đông lạnh
Nếu bạn không có máy xay loại tốt, nên tránh xay đá viên cỡ lớn hoặc thực phẩm đông lạnh vì chúng có thể quá cứng và làm hỏng lưỡi dao. Để bảo vệ máy xay, bạn nên đập nhuyễn đá trước hoặc dùng đá bào nếu muốn xay các món sinh tố lạnh.
9. Bột
Bột không phải là nguyên liệu phù hợp để cho vào máy xay sinh tố. Khi máy hoạt động, bột có thể bị trộn lẫn và sánh lại, làm lưỡi dao quay chậm hoặc không quay được, gây hư hỏng cho máy. Nếu bạn cần nhào bột, tốt nhất hãy dùng tay hoặc các thiết bị chuyên dụng như máy đánh trứng hoặc máy xử lý thực phẩm.
10. Các loại hạt
Mặc dù các loại hạt không gây quá nhiều khó khăn cho máy xay sinh tố như một số loại thực phẩm khác, nhưng chúng vẫn có thể làm cùn lưỡi dao của máy theo thời gian. Tốt nhất, bạn nên ngâm các loại hạt trong nước trước khi xay, giúp làm mềm hạt, giảm bớt áp lực lên lưỡi dao và đảm bảo chất lượng của thành phẩm sau khi xay.
11. Thực phẩm có mùi nồng
Các loại thực phẩm có mùi nồng hoặc cay, như tỏi, gừng và ớt, có thể để lại mùi và hương vị mạnh trong máy xay sinh tố, ảnh hưởng đến các thực phẩm khác mà bạn cho vào máy xay sau đó. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn nên nấu chín các loại thực phẩm này trước khi xay, giúp làm giảm bớt hương vị còn sót lại. Ngoài ra, bạn có thể xay thực phẩm có mùi nồng với một lượng nhỏ và kết hợp cùng các loại thực phẩm khác thay vì xay riêng lẻ để hạn chế mùi nồng, tránh ảnh hưởng đến hương vị của các thực phẩm tiếp theo.
12. Thực phẩm giàu chất xơ
Các loại thực phẩm giàu chất xơ như cần tây và bông cải xanh thường trở nên dai khi cho vào máy xay sinh tố nếu chưa được nấu chín, khiến việc xay thực phẩm trở nên khó khăn và ảnh hưởng đến hiệu quả của máy. Do đó, tốt nhất là bạn nên nấu chín các loại rau này trước khi xay để chúng mềm hơn và dễ dàng hơn trong việc chế biến.
Đậu cũng cần phải được nấu chín trước khi xay, nếu không, chúng có thể làm cùn lưỡi dao của máy. Một loại thực phẩm khác giàu chất xơ không thích hợp khi xay bằng máy xay sinh tố là súp lơ. Súp lơ chưa nấu chín có thể khiến máy hoạt động kém hiệu quả và không thể xay nhuyễn một cách mượt mà.
Những sai lầm thường gặp khi sử dụng máy xay sinh tố
- Xay lẫn thực phẩm sống và chín: Dẫn đến nhiễm khuẩn chéo, gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Không kiểm tra máy trước khi bật: Lắp đặt sai vị trí có thể làm máy hỏng hoặc cháy mô tơ.
- Xay nhiều thực phẩm cùng lúc: Khiến máy quá tải, làm gãy lưỡi dao và giảm tuổi thọ của máy.
- Không ngắt điện sau khi dùng: Quên rút điện có thể gây nguy hiểm, đặc biệt nếu có trẻ nhỏ trong nhà.
- Để máy hoạt động liên tục: Sử dụng liên tục quá lâu có thể làm nóng và cháy máy.
- Vệ sinh máy sai cách: Vệ sinh máy bằng nước nóng có thể làm nứt cối.
- Lạm dụng máy xay đa năng: Sử dụng không đúng chức năng có thể làm hỏng cối và lưỡi dao, ảnh hưởng đến độ bền của máy.
Lưu ý khi sử dụng máy xay sinh tố
- Cắt thực phẩm thành những miếng nhỏ trước khi xay để giảm tải cho máy.
- Xay các thực phẩm lỏng trước rồi mới cho thực phẩm khô vào xay sau.
- Trước khi xay, loại bỏ hạt cứng khỏi trái cây và xương khỏi thịt để tránh làm hỏng lưỡi dao.
- Chọn máy xay có lưỡi dao làm bằng sắt hoặc kim loại chống gỉ để đảm bảo độ bền.
- Sử dụng chức năng xay nhanh ở vị trí P để xử lý thực phẩm nhanh chóng.
- Không đổ thực phẩm quá vạch mức tối đa để tránh tràn ra ngoài.
- Không nên vận hành máy khi không có thực phẩm hoặc nước trong cối xay để bảo vệ động cơ.
- Đảm bảo dao đã ngừng quay hoàn toàn trước khi tháo nắp đậy cối xay.
- Không xay liên tục quá 30 giây, để máy nghỉ vài phút giữa các lần sử dụng, nhất là khi máy nóng.
- Không dùng muỗng, đũa, hay nĩa để trộn thực phẩm khi máy đang hoạt động để tránh nguy hiểm.
Lời kết
Tổng kết lại, những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố bao gồm: cháo và súp nóng, khoai tây, các loại rau xanh, trái cây khô, trái cây đông lạnh, thực phẩm có xương, thực phẩm đông lạnh,... Mong rằng qua bài viết của FPT Shop, các bạn đã có thêm thông tin hữu ích, nắm rõ những thực phẩm không nên cho vào máy xay sinh tố, tránh nguy cơ hỏng máy, đảm bảo độ bền và hiệu suất của máy.
Ngoài ra, nếu bạn đang tìm kiếm địa chỉ mua máy xay sinh tố Philips chính hãng cho gia đình thì đừng quên ghé thăm FPT Shop. Chúng tôi cam kết mang đến cho bạn và gia đình những mẫu máy xay sinh tố chính hãng đến từ các thương hiệu nổi tiếng, với mức giá tốt kèm theo nhiều ưu đãi hấp dẫn, đáp ứng mọi nhu cầu của gia đình.
Xem thêm: