99% chị em nội trợ mắc sai lầm này khiến nồi cơm điện nhảy sớm
Nồi cơm điện nhảy nút sớm không chỉ do rơ le của nồi bị hỏng, mà đôi khi đến từ chính việc người dùng nhấn nút Cook quá nhiều hoặc đổ không đủ lượng nước khi nấu cơm.
Nồi cơm điện là thiết bị điện gia dụng không thể thiếu trong căn bếp của mỗi gia đình. Người thì sử dụng nồi cơm điện cơ đơn giản dễ dùng, nhiều gia đình lại lựa chọn những loại nồi cơm điện tử được tích hợp nhiều chức năng hiện đại, tiện ích hơn. Tuy nhiên, dù là thiết bị nào thì trong quá trình sử dụng cũng khó mà tránh khỏi một số vấn đề, trong số đó phổ biến nhất là lỗi nồi cơm điện nhảy sớm.
Nếu đã từng gặp trường hợp nồi cơm điện nhảy nút sớm, bạn hãy tham khảo những nguyên nhân và cách xử lý tại nhà dưới đây trước khi mang đi sửa nhé.
Tại sao nồi cơm điện nhảy sớm?
Có nhiều nguyên nhiên khiến nồi cơm điện bị lỗi nhảy nút sớm, lỗi này phổ biến hơn ở các loại nồi cơm điện dạng cơ – loại chỉ có nút gạt điều chỉnh 2 mức nhiệt Cook (Nấu) và Warm (Giữ ấm).
Nhấn nút Cook quá nhiều
Nhiều gia đình có thói quen tận dụng nồi cơm điện để chế biến một số món ăn khác như món hầm, nấu súp, nấu canh hay làm bánh vô cùng tiện lợi. Khi đó, bạn thường nhấn nút Cook (Nấu) nhiều lần để có mức nhiệt thích hợp, làm chín được món ăn đang chế biến theo ý muốn, đặc biệt là khi hầm hoặc làm bánh.
Tuy nhiên, đây lại là sai lầm mà 99% chị em nội trợ đã mắc phải, cũng là lý do nồi cơm điện nhảy sớm khi chưa đủ giờ nấu. Việc bạn nhấn nút Cook thường xuyên khiến cho rơ le nhiệt hay bộ phận cảm biến trên mâm nhiệt của nồi cơm phải hoạt động liên tục nhiều lần trong thời gian ngắn. Từ đó, rơ le bị nhờn, dẫn đến nồi cơm bị bật nút sớm.
Cho không đủ lượng nước khi nấu
Một nguyên nhân khác khiến nồi cơm nhảy nút sớm có thể đến từ việc người dùng cho không đủ lượng nước khi nấu cơm. Nhiều người có thói quen ước chừng khi nấu cơm, tức là dùng tay hoặc lon sữa bò cũ để lấy gạo, sau đó đổ nước theo “cảm tính” mà không theo định lượng đúng. Lượng nước quá nhiều khiến cho cơm chín bị nhão, kém ngon, còn khi nước quá ít khi nấu thì nhiệt chưa đủ lớn và gạo không đủ nước để có thể chín thành cơm, dẫn đến nồi cơm nấu cơm bị sống.
Xem thêm: Nồi cơm điện nấu cơm bị sống: Nguyên nhân và cách xử lý
Đôi khi tình huống này xảy ra khi người dùng chưa có kinh nghiệm sử dụng nồi cơm điện mới mua, hoặc nấu loại gạo khác với thường ngày.
Do đáy nồi bị cong, móp méo
Sau thời gian dài sử dụng, đáy xoong bên trong nồi cơm điện có thể xảy ra hiện tượng cong lên. Hoặc trong quá trình dùng nồi cơm, xoong nồi không may bị va đập dẫn đến móp méo phần đáy. Điều này đều là lý do khiến cho nồi cơm điện gặp lỗi nhảy nút sớm, vì tiếp xúc giữa đáy nồi và mâm nhiệt có rơ le đã bị ảnh hưởng đáng kể. Lực nén của nồi yếu đi làm rơ le không còn nhạy, nồi cơm bị nhảy sớm.
Cảm biến nhiệt bị hỏng
Rơ le nhiệt hay cảm biến nhất là nút tròn nằm giữa mâm nhiệt, bộ phận vô cùng quan trọng để “truyền tín hiệu” cho nồi cơm điện nhảy từ nút Cook lên nút Warm khi đã nấu cơm đủ chín theo thời gian quy định. Độ nhạy của bộ phận cảm biến nhiệt quyết định nồi cơm có nhảy đúng lúc không.
Khi rơ le bị hỏng hoặc giảm độ nhạy do sử dụng nồi cơm đã lâu, dẫn đến nồi cơm điện không nhảy nút hoặc nhảy sớm.
Cách khắc phục nồi cơm điện nhảy nút sớm
- Nếu nồi cơm nhảy nút sớm chỉ đơn giản do bạn đã lạm dụng nút Cook quá nhiều, thì trong quá trình nấu ăn, hãy hạn chế tối đa thói quen này để không ảnh hưởng tới độ nhạy của rơ le nhiệt. Đối với các loại nồi cơm điện cơ chỉ có nút bật tắt Cook và Warm, tốt nhất bạn nên ít sử dụng để nấu các món ăn khác như hầm, canh, súp, làm bánh,…để đảm bảo độ bền cho nồi cơm.
- Đổ lượng nước vừa đủ khi nấu cơm là vô cùng quan trọng. Hãy tham khảo cách sử dụng cốc đong gạo trong nồi cơm điện để căn chỉnh lượng gạo và nước phù hợp, mang đến bữa cơm ngon cho gia đình.
- Nếu phát hiện xoong của nồi cơm có hiện tượng móp méo hoặc đáy không còn phẳng, bị lồi lõm, bạn nên thay một chiếc mới. Lưu ý chọn mua sản phẩm chính hãng, đúng với loại nồi cơm điện bạn đang sử dụng.
- Khi vấn đề đến từ rơ le nhiệt chứ không phải do các nguyên nhân trên, bạn hãy mang nồi đến trung tâm bảo hành hoặc cửa hàng sửa chữa để được hỗ trợ tốt nhất nhé!
Hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn!
Xem thêm: Khắc phục lỗi nồi cơm điện báo lỗi E3 và những lưu ý khi sử dụng