:quality(75)/2023_10_21_638335029116746431_keo-cu-do.jpg)
:quality(75)/2024_1_1_638397494608670897_409307496_924411505719855_5538812596272384266_n.jpg)
:quality(75)/2024_1_1_638397494608670897_409307496_924411505719855_5538812596272384266_n.jpg)
Kẹo cu đơ là gì? Cách làm kẹo cu đơ chuẩn đặc sản Hà Tĩnh siêu ngon ngay tại nhà
Có lẽ bạn đã từng ít nhất một lần trong đời nghe đến cái tên kẹo cu đơ rồi đúng nào? Món ăn vặt siêu dân dã này tuy bình dị nhưng lại rất đỗi đặc biệt. Đây chính là biểu tượng của cả một vùng văn hoá xứ sở. Hãy cùng FPT Shop vén bức màn bí mật về món kẹo cu đơ này ngay bây giờ nhé!
Hà Tĩnh - một tỉnh miền Trung Việt Nam giàu truyền thống văn hóa và ẩm thực, không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn là quê hương của một loại đặc sản ngọt ngào và độc đáo - kẹo cu đơ. Có lẽ, đó là hương vị tuổi thơ khó quên khiến biết bao người con xa quê phải bồi hồi nhung nhớ, nhớ cảnh chiều chiều gió lộng ngồi chờ bóng mẹ đi chợ về, nhớ cái làng đỏ con con có chiếc kẹo cu đơ ngọt bùi khiến lòng người xao xuyến đến lạ.
Cũng có biết bao du khách có dịp đi qua mảnh đất Hà Tĩnh đều cố nán chân lại để chọn mua món quà ngọt ngào này về dành tặng cho gia đình. Với hương vị thơm ngon và những nét đặc trưng vô cùng cuốn hút, đây chắc chắn là một món ăn vặt mà bạn không thể nào bỏ qua. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về nguồn gốc và cách làm kẹo cu đơ ngay thôi nào.
Kẹo cu đơ là gì?
Kẹo cu đơ là một loại kẹo truyền thống được làm từ đậu phộng và nhiều thành phần khác gồm mật mía, mạch nha, gừng tươi. Kẹo sau khi nấu sẽ có hình tròn, được kẹp giữa hai miếng bánh tráng mè giòn rụm, thơm ngon.
Kẹo cu đơ đặc biệt rất dẻo và kết dính, mang trong mình vị ngọt của mật mía cùng vị bùi của đậu phộng. Thưởng thức kẹo bình thường đã ngon, khi kết hợp với trà thì còn tuyệt vời hơn gấp bội. Vị ngọt của kẹo và vị chát của trà xanh sẽ tạo nên một hương vị cực kỳ cuốn hút.
Nguồn gốc và lý giải tên gọi kẹo “cu đơ”
Nguồn gốc ra đời của kẹo cu đơ
Đã bao giờ bạn thắc mắc về món kẹo cu đơ ngọt ngào ấy ra đời như thế nào hay chưa? Kẹo cu đơ có nguồn gốc từ làng Thịnh Bình, xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Người đầu tiên làm ra món kẹo này là ông Chắt Vy, hay còn được gọi là ông Cu Hai.
Có rất nhiều giai thoại lịch sử kể về nguồn gốc và lý giải cho tên gọi của loại kẹo đặc biệt này. Một trong số đó nổi tiếng nhất phải kể đến câu chuyện cưới vợ cho cậu con trai của ông Cu Hai. Chuyện kể rằng vào những năm 1950, gia đình ông Cu Hai không có đủ tiền để sắm sửa đồ sính lễ cho con trai. Trong lúc bế tắc, người chồng mới nghĩ ra cách nấu mật mía sôi lên rồi đổ đậu phộng vào. Khi đem ra đãi bà con làng xóm, ai ăn cũng thấy ngon và tấm tắc khen ngợi. Món kẹo mới lạ này nhanh chóng được mọi người yêu thích. Ông Cu Hai tiếp tục nấu và đem đi bán ở những làng lân cận. Từ đó, kiểu nấu mật mía với đậu phộng lan rộng khắp huyện Hương Sơn.
Bên cạnh đó, còn có khá nhiều câu chuyện “tam sao thất bản” thú vị khác. Một số người lại truyền tai nhau câu chuyện ra đời vô cùng tình cờ của kẹo cu đơ, ông Chắt Vy - hay ông Cu Hai vốn dĩ là một người thợ làm bánh tráng ở làng Thịnh Bình. Một lần, ông đang nấu mật mía để làm bánh tráng nhưng do sơ ý nên mật mía bị cháy. Ông liền cho đậu phộng rang vào ăn thử thì thấy ngon và hợp miệng đến lạ, món kẹo cũng ra đời từ đó. Nhưng dù ra đời như thế nào thì kẹo cu đơ vẫn vậy, vẫn ngon như những ngày đầu.
Vì sao lại gọi là kẹo “cu đơ”?
Kẹo cu đơ sau khi được ông Chắt Vy làm và bán thì dần nổi tiếng và được rất nhiều người trong vùng yêu thích. Ban đầu, nó có tên gọi chung là kẹo lạc (vì chỉ có mật mía và lạc) hay kẹo “cu Hai” - bí danh của người làm ra kẹo (chỉ một người cha có hai thằng con trai). Khi phong trào Tây học nở rộ cùng với việc thực dân Pháp xâm lược, lính Pháp đã được ăn kẹo này và thay đổi tên kẹo từ "Hai" thành "Deux" (tiếng Pháp có nghĩa là số 2). Do đó, kẹo "cu deux" đọc theo phiên âm tiếng Việt là kẹo "cu đơ" và cái tên kẹo cu đơ được sử dụng phổ biến như ngày nay.
Cách làm kẹo cu đơ tại nhà cực ngon và đơn giản
Có lẽ, chính bởi hương vị thơm ngon, đầy mộc mạc mà kẹo cu đơ bao năm vẫn có một chỗ đứng rất lớn trong lòng của người dân miền Trung nói riêng và ngày càng phổ biến trên cả nước.
Nếu bạn đang hứng thú với món kẹo đặc biệt này và muốn tự tay chiêu đãi cả gia đình ngay tại chính căn bếp của mình thì hãy tham khảo công thức dưới đây nhé! Đảm bảo một mẻ kẹo ngon lành, chuẩn đặc sản Hà Tĩnh sẽ không làm bạn phải thất vọng đâu. Còn chần chờ gì mà không cùng nhau bắt tay vào thực hiện thôi nào.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Đậu phộng (lạc): 300 gr
- Mật mía: 150 ml
- Mạch nha nếp: 100 gr
- Gừng: 1 - 2 nhánh
- Bánh tráng nướng/bánh đa nướng
Cách chọn nguyên liệu ngon và phù hợp nhất
Cách chọn mua đậu phộng (lạc) ngon
Đậu phộng (hay còn gọi là lạc) là một loại hạt giàu dinh dưỡng và được sử dụng phổ biến trong nhiều món ăn. Để chọn mua được đậu phộng ngon, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
- Chọn đậu phộng có màu sắc sáng và đều màu: Đậu phộng ngon thường có màu trắng hồng, không bị nấm mốc.
- Chọn đậu phộng có kích thước đều nhau: Để cho món kẹo cu đơ sau khi chế biến được chín đều và ngon hơn, bạn nên chọn mua loại đậu phộng có kích thước đều nhau, hạt không nên quá to hay quá nhỏ. Nếu nhận thấy số đậu của mình có một số hạt có kích thước khác biệt thì nên nhặt ra để đảm bảo cho món kẹo của mình đạt chuẩn nhất nhé.
- Chọn đậu phộng có mùi thơm: Đậu phộng ngon thường có mùi thơm đặc trưng. Vì thế, nếu ngửi thấy đậu phộng có mùi lạ thì không nên chọn vì có thể đậu phộng đã bị hỏng.
- Kiểm tra hạt: Hạt đậu phộng ngon sẽ to tròn, khi bấm ngón tay vào hạt có cảm giác chắc, có tiết ra một ít dầu.
Mẹo hay lựa chọn các nguyên liệu khác
- Bạn có thể lựa chọn bánh đa nướng hoặc bánh tráng nướng để đổ kẹo cu đơ. Tuy nhiên, lời khuyên hữu ích là nên sử dụng bánh tráng nướng. Nếu bạn có bánh tráng mè hoặc bánh tráng dừa nướng thì còn gì bằng, món kẹo sẽ càng trở nên ngon lành hơn đấy nhé!
- Trong trường hợp không thể mua mật mía, bạn có thể nấu đường để thay thế. Tuy nhiên, một chiếc kẹo cu đơ ngon và chuẩn vị nhất vẫn nên được làm từ mật mía.
Các bước chi tiết làm kẹo cu đơ siêu thơm béo
Bước 1: Rang đậu phộng
- Sử dụng một chiếc chảo hoặc nồi có đáy dày để rang đậu phộng, bật lửa nhỏ và chờ đến khi chảo nóng thì đổ tất cả đậu phộng vào.
- Đảo đậu phộng đều tay và liên tục để hạt được chín đều và không bị cháy.
- Khi bạn nhận thấy vỏ đậu phộng chuyển sang màu vàng, một vài hạt có vỏ lụa tách ra và mùi thơm bốc lên thì tắt bếp và đổ ra ngoài để nguội.
- Nếu không có nhiều thời gian, bạn cũng có thể sử dụng nồi chiên không dầu để thực hiện bước này.
Một mẹo hay mà bạn có thể áp dụng là hãy bỏ một ít muối vào đậu phộng khi rang để tất cả các hạt được chín đều. Nếu bạn và gia đình không thích ăn vỏ đậu phộng thì có thể vò và lọc bỏ vỏ đậu đi. Khi nấu kẹo cu đơ, việc có vỏ đậu hay không cũng sẽ không ảnh hưởng chút nào đến chất lượng kẹo đâu nhé!
Bước 2: Nấu mật cu đơ
Gừng mua về rửa sạch, cạo bỏ vỏ và dùng dao cắt nhuyễn nhỏ. Lấy một nửa gừng đem đi xay bằng máy xay sinh tố, chắt lấy nước cốt để nấu mật.
Kế tiếp, bạn sử dụng một chiếc nồi hoặc chảo có lòng sâu, lần lượt cho mật mía, mạch nha nếp và nước cốt gừng đã chuẩn bị vào và khuấy đều cho tất cả các nguyên liệu hoà lẫn vào nhau.
Cho hỗn hợp lên bếp ga, nấu với lửa nhỏ. Khi nấu mật cu đơ, bạn nên khuấy liên tục thật đều tay cho đến khi chín để mật không bị cháy, không làm ảnh hưởng đến mùi vị khi thưởng thức.
Vậy để làm sao biết được khi nào mật đủ chín? Một mẹo vặt hay mà bạn có thể chưa biết là chúng ta có thể dùng một bát nước lạnh để thử mật đấy. Hãy nhỏ một vài giọt mật đang nấu vào nước lạnh và dùng đũa khuấy, nếu thấy giọt mật chuyển sang màu cánh gián và mật se lại, không tan vào nước lạnh thì lúc đó hỗn hợp của bạn đã đạt chuẩn rồi đấy.
Mật nấu kẹo cu đơ đủ chín sẽ trở nên đặc và nặng tay hơn khi khuấy. Khi này, bạn cho gừng cắt nhỏ và đậu phộng đã rang sẵn vào, đảo đều liên tục trong khoảng 1 phút nữa thì tắt bếp.
Bước 3: Đổ kẹo cu đơ
Đặt bánh tráng hoặc bánh đa lên đĩa, múc mật kẹo còn nóng thơm ngon gồm đậu phộng và gừng lên mặt bánh, dàn đều hỗn hợp ấy cho bằng phẳng và nhanh tay lấy miếng bánh tráng khác kẹp vào. Vậy là chúng ta đã hoàn thành xong món ăn vặt ngọt ngào - kẹo cu đơ rồi đấy!
Có thể nói, cách làm kẹo cu đơ đơn giản nhưng cũng đòi hỏi người làm phải có sự chú tâm và khéo léo khi thực hiện. Mật mía phải được nấu kỹ, không quá đặc cũng không quá loãng. Có lẽ cái khó nhất chính là lúc nấu, khó ở chỗ phải canh lửa liên tục, lửa to quá sẽ làm kẹo cháy, nhỏ quá thì không đủ làm mật mía sánh mềm. Đậu phộng phải rang chín vàng, thơm phức. Gừng cần giã nhuyễn để tạo nên vị cay nhẹ cho kẹo.
Thành phẩm
Kẹo cu đơ ngon chuẩn đặc sản Hà Tĩnh sẽ có vị ngọt ngào của mật mía, bùi bùi của đậu phộng kết hợp vị cay nhẹ của gừng. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đơn giản nhưng lại vô cùng tinh tế, tuy không độc lạ như vô vàn những món ăn vặt ngày nay nhưng vẫn sẽ khiến bạn phải bất ngờ và tấm tắc khen ngon đấy. Kẹo cu đơ thường được ăn kèm với nước trà xanh, vị ngọt của kẹo sẽ được cân bằng bởi vị chát của trà, tạo nên một cảm giác hài hòa và nhẹ nhàng rất lôi cuốn.
Để bảo quản được kẹo cu đơ được lâu mà vẫn giữ được trọn vị ngon như vừa mới nấu, bạn để nguội và sau đó cho vào túi bóng buộc chặt, bảo quản ở nơi thoáng mát hoặc ngăn mát tủ lạnh nhé.
Tạm kết
Ngày nay, kẹo cu đơ đã trở thành một đặc sản nức tiếng của Hà Tĩnh. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món kẹo này ở khắp mọi nơi trên toàn quốc. Tuy nhiên, còn gì tuyệt vời hơn khi cả gia đình quây quần bên căn bếp cùng mẻ kẹo nóng vừa nấu đúng không nào. FPT Shop xin chúc bạn thực hiện thành công món kẹo cu đơ ngon lành và có được những giây phút vui vẻ, ý nghĩa bên gia đình nhỏ của mình.
Để thực hiện món kẹo cu đơ và nhiều món ăn ngon khác mỗi ngày, cùng khám phá và mua sắm những thiết bị gia dụng nhà bếp như nồi chiên không dầu, máy xay sinh tố đang được bán với giá tốt tại FPT Shop!
Xem thêm: