Màn hình LCD và AMOLED có điểm gì khác biệt
Sự cạnh tranh giữa màn hình AMOLED và LCD trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Vậy thì giữa chúng có điểm gì khác biệt? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau
Khi công nghệ màn hình trên các smartphone và máy tính bảng ngày một phát triển, tới chuẩn QHD và tiến đến là 4K, sự cạnh tranh giữa màn hình AMOLED và LCD trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Công nghệ màn hình LCD đã đưa chúng ta vào thời đại QHD với Vivo Xplay 3S, rồi tiếp tục được sử dụng trên Oppo Find 7 và LG G3. Còn AMOLED được sử dụng trên Nexus 6, Moto X và các thiết bị cao cấp của Samsung, không lâu sau đó trở thành mối đe dọa lớn nhất đối sự thống trị của LCD trước kia.
Cuộc tranh luận về công nghệ nào tốt hơn vẫn chưa có hồi kết, vậy nên bạn có thể căn cứ theo thói quen sử dụng để lựa chọn cho mình smartphone có công nghệ màn hình phù hợp. Còn nếu bạn đang quan tâm đến đến những khác biệt giữa hai công nghệ thì những thông tin dưới đây sẽ giúp ích cho bạn.
Khác biệt nằm trong cách thiết kế
Các cuộc tranh luận về công nghệ màn hình chủ yếu xoay quanh hai cách tiếp cận với sub-pixel, được thiết kế để chuyển đổi dữ liệu kĩ thuật số sang định dạng màu sắc mà bạn có thể nhìn thấy. Hai công nghệ tạo ra sự khác biệt về độ chính xác của màu sắc, chiều sâu của màu đen, độ sáng và mức tiêu thụ pin.
Công nghệ LCD
LCD là công nghệ lâu đời hơn so với AMOLED, đã có nhiều thời gian để phát triển và hoàn thiện. Màn hình LCD được sử dụng trên các máy tính bảng cao cấp và smartphone như LG G3, HTC One (M8) và dòng Sony Xperia Z. Màn hình QHD đầu tiên được sử dụng trên Oppo Find 7 sử dụng công nghệ LCD.
LCD là viết tắt của Liquid Crystal Display hay còn gọi là Màn hình tinh thể lỏng, cách thức hoạt động màn hình LCD dựa trên nguyên tắc phân cực của ánh sáng và tấm lọc màu. Tấm lọc màu được sử dụng để xác định màu sắc của các điểm ảnh nhờ các màu sắc tiêu chuẩn: đỏ, xanh lá cây, xanh nước biển. Những màu sắc tiêu chuẩn sẽ được pha trộn với nhau để tạo ra các màu sắc khác.
Bộ phân cực ánh sáng sử dụng 2 bộ lọc, một nằm ở mặt phẳng ngang, một nằm theo phương thẳng đứng. Khi nguồn sáng tạo ra tia sáng dao động theo mọi hướng khác nhau, bộ lọc sẽ có tác dụng cắt giảm, điều chỉnh để chỉ còn một hướng sáng duy nhất. Khi ánh sáng đi qua bộ lọc thứ nhất theo phương ngang sẽ không thể tiếp tục đi qua bộ lọc thứ hai theo phương thẳng đứng vì không nằm cùng trên một mặt phẳng. Bằng cách kết hợp một bộ lọc dọc và một bộ lọc ngang, (hoặc hai bộ lọc bất kỳ được đặt vuông góc với nhau), ánh sáng có thể chặn lại thành một điểm ảnh tối, đó là trạng thái mặc định của một điểm ảnh trên màn hình LCD.
Hai bộ lọc phân cực vuông góc với nhau chặn ánh sáng. Màn hình LCD sử dụng tinh thể lỏng phù hợp ánh sáng có thể vượt qua các bộ lọc thứ hai khi cần.
Giữa bộ lọc ngang và thẳng đứng là một lớp tinh thể lỏng có thể chuyển từ trạng thái trung hòa sang tích điện và ngược lại. Các tinh thể lỏng khi được tích điện sẽ đổi phương chuyển động, kết quả là ánh sáng sau khi truyền qua phần tinh thể lỏng ở chỗ điểm ảnh sẽ được xoay phương phân cực đi, có thể lọt qua lớp kính lọc phân cực thứ hai, tạo ra một điểm màu trên tấm kính phía trước.
Các đèn nền cho độ sáng của mỗi điểm ảnh. Các đèn nền cũng có thể được sử dụng để điều chỉnh độ sáng tổng thể của màn hình.
OPPO Find 7 là mẫu smartphone đầu tiên có màn hình QHD, sử dụng công nghệ LCD.
AMOLED
AMOLED là một công nghệ mới hơn so với LCD và tên của nó cũng mang lại cho chúng ta một gợi ý về cách hoạt động. OLED - Organic light emitting diode, tạm dịch là đi-ốt phát quang hữu cơ. Thay vì một nền duy nhất và rất nhiều bộ lọc điểm ảnh, màn hình AMOLED sử dụng hàng triệu nguồn sáng Organic –LED.
Cụm “AM” là viết tắt của Active-matrix, là công nghệ chuyển mạch transistor được sử dụng để kiểm soát từng điểm ảnh LED. Một ma trận vận động liên tục điều hướng đi-ốt thông qua một bóng bán dẫn, ngay cả khi đi-ốt khác đang thay đổi trạng thái.
Cách thiết kế màn hình AMOLED có thể dễ hình dung hơn so với màn hình LCD, nhưng không dễ dàng để sản xuất. Thay vì một tấm nền và các bộ lọc cho mỗi màu, AMOLED sử dụng các đèn LED màu nhỏ màu đỏ, xanh lá cây, và màu xanh nước biển, để tạo ra các màu sắc khác. Độ sáng của mỗi điểm ảnh LED được điều khiển bằng các bóng bán dẫn, điều chỉnh thông qua điện áp của transistor.
Do không áp dụng bộ lọc cho các nguồn sáng nên màn hình AMOLED cho màu sắc có độ chính xác cao, độ tương phản tốt hơn so với màn hình LCD, và có thể tiết kiệm pin thông qua tắt hoặc giảm độ sáng một điểm ảnh đơn lẻ, tốt hơn là để đèn nền luôn sáng trên LCD. Hơn nữa, AMOLED cho các cấp độ sáng cao hơn so với màn hình LCD. AMOLED cũng có nhược điểm về việc hao mòn của các OLED, dẫn đến cháy và mất màu điểm ảnh trên màn hình.
Nexus 6 và Galaxy Note 4 thể hiện chất lượng QHD bằng màn hình AMOLED.
Công nghệ nào tốt nhất?
Khó có thể đánh giá một màn hình chỉ dựa vào loại công nghệ màn hình sử dụng, cả hai đều cho kết quả tuyệt vời. Thay vào đó, chúng ta cũng phải xem xét tính chính xác và hiệu chuẩn của các điểm ảnh trong mỗi màn hình, cả hai loại có thể thay đổi dao động từ cao đến mức thấp nhất của màu sắc.
Cả hai loại màn hình đều có ưu và khuyết điểm riêng. LCD đã dẫn đầu sớm nhờ việc sử dụng trên các smartphone QHD đầu tiên. Tuy nhiên, Galaxy Note 4 của Samsung đã thu hẹp khoảng cách AMOLED và LCD. Các đánh giá trong vài năm qua thể hiện màn hình Samsung Super AMOLED có xu hướng tái tạo màu sắc chính xác hơn so với các màn hình LCD. Galaxy Note 4 là smartphone có màn hình hiển thị chính xác nhất hiện nay, theo DisplayMate.
AMOLED đang dần trở thành công nghệ màn hình được sử dụng ngày càng phổ biến trênsmartphone và máy tính bảng và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Còn LCD dường như sẽ khóc có thể phát triển nhiều hơn hơn trong tương lai gần.
>> Bài viết bạn có thể quan tâm: Những smartphone nào sở hữu màn hình 2K siêu nét?
KyPL
Nguồn: AndroidAuthority