[VCTC] Những điều cần biết trước khi chơi Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến
Đối với những người yêu mến thể loại game MOBA thì tựa game Liên Minh Huyền Thoại đã có một vị trí đặc biệt trong lòng họ kể từ năm 2010 cho đến nay. Và sau 10 năm hoạt động, chúng ta đã có một phiên bản mới trên nền tảng di động là Android và iOS với cái tên Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến (tên quốc tế là Wild Rift).
Trải qua một thời gian thử nghiệm ở nhiều quốc gia, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến đã chính thức đặt chân đến Việt Nam thông qua nhà phát hành danh tiếng VNG. Vậy nó khác với phiên bản PC như thế nào? Cách chơi có gì thay đổi không? Bạn có thể tìm kiếm những điều mình muốn về Tốc Chiến tại chuyên mục mới Vui Cùng Tốc Chiến của FPT Shop.
Game MOBA là gì?
MOBA hiện là một thể loại game online cực kì phổ biến trên cả PC lẫn mobile. MOBA là từ viết tắt của cụm Multiplayer Online Battle Arena, đây là một thể loại game mà người chơi sẽ được chia thành 2 đội – mỗi đội gồm có 5 người và giao đấu với nhau trong một bản đồ được chỉ định. Bản đồ sẽ được chia làm 3 lane (đường đi), mỗi lane sẽ có 3 trụ bên cạnh nhà chính.
Mục đích chính của mỗi trận đấu trong game MOBA là phá hủy nhà chính của đối thủ. Trong quá trình tấn công phá hủy nhà chính, người chơi mỗi đội sẽ phải vượt qua hàng rào phòng thủ là 3 trụ ở mỗi lane cũng như hàng đàn creep (lính) tuôn ra liên tục cũng như các con quái khác sở hữu nhiều loại buff mang về lợi thế khác nhau.
Trước mỗi trận đấu, người chơi sẽ được chọn các vị tướng. Những vị tướng này được phân thành các loại bao gồm:
Xạ thủ: Tướng chuyên đánh tầm xa bằng các đòn đánh vật lý thông thường cùng các kĩ năng tiêu tốn năng lượng, có khả năng cấu rỉa máu để chọc tức đối thủ nếu được đồng đội bảo kê tốt. Xạ thủ là lớp tướng có lượng máu hạn chế, dễ bị bắt bài.
Ashe là tướng Xạ Thủ rất được ưa chuộng trong Tốc Chiến vì dễ chơi nhưng cũng rất... dễ chết
Pháp sư: Tướng chuyên đánh bằng các đòn ma thuật hao tốn năng lượng. Lượng sát thương phép gây ra của pháp sư thường rất lớn, đổi lại mức độ hao tốn năng lượng cũng cao nên một khi cạn kiệt sẽ dễ dàng lên bảng đếm số. Pháp sư cũng thuộc loại “máu giấy” tương tự như Xạ thủ.
Hỏa Hồ Li Ahri có quả cầu ma thuật cực mạnh đấy, hãy chú ý
Đấu sĩ: Tướng chuyên đánh tầm gần bằng các đòn đánh vật lý. Máu cao, sức chống chịu tốt, có khả năng mở combat để đồng đội đứng sau xả sát thương lên đối thủ. Tuy nhiên, khi chơi đấu sĩ thì người chơi phải giữ cái đầu lạnh chứ không nên hổ báo lao thẳng vào đội địch khi chưa đủ trang bị kẻo sẽ tặng không một điểm hạ gục.
Tránh ra, Đấng Yasuo Gank Team 5 Phút GG xuất hiện đây
Trợ thủ: Tướng chuyên đi kèm với Xạ thủ để hỗ trợ. Đúng như tên gọi, Trợ thủ là vị trí hỗ trợ cho các vị trí còn lại trong đội bằng cách bơm máu – bơm năng lượng – chắn đòn – phản đòn – giải trừ các hiệu ứng bất lợi như khống chế, làm chậm, làm mù để bản thân hoặc đồng đội chạy thoát an toàn.
Nếu bị Blitzcrank kéo vào trụ kèm hiệu ứng khống chế đến từ đồng đội thì đối thủ chỉ có con đường chết
Sát thủ: Tướng chuyên “núp lùm núp bụi” để hạ gục các con quái trong rừng và lên cấp cũng như lên trang bị sớm nhằm hỗ trợ cho đồng đội. Những người chơi chọn vị trí Sát thủ thường dùng bổ trợ và trang bị đi rừng. Sát thủ là khắc tinh của Xạ thủ và Pháp sư vì khả năng đoạt mạng nhanh – gọn – lẹ nhưng chính bản thân lớp tướng này cũng có lượng máu cực kì mỏng manh.
Master Yi là lựa chọn không tồi cho việc đi rừng
Với mỗi loại tướng, người chơi có nhiều cách lên đồ khác nhau nhằm tối ưu hóa lượng sát thương tung ra cũng như giảm thiệt hại nhận về ở mức thấp nhất. Một vị tướng có thể kiêm từ 1-2 vị trí khác nhau, muốn chơi vị trí nào thì tùy lựa chọn của mỗi người. Hãy nhớ phối hợp thật tốt cùng đồng đội để giành được chiến thắng bạn nhé.
Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến là gì? Nó khác như thế nào so với phiên bản PC?
Kể từ khi Riot Games thông báo họ sẽ tạo ra một phiên bản Liên Minh Huyền Thoại trên nền mobile thì toàn bộ những người hâm mộ tựa game này đều không khỏi ngạc nhiên và sốt sắng. Một số cho rằng đây chỉ là tin đồn, trong khi những người khác thì lại hoài nghi. Và giờ đây tất cả những điều đó đã không còn khi Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến (League of Legends: Wild Rift) chính thức xuất hiện tại Việt Nam dưới bàn tay nhào nặn của Riot Games cũng như bàn tay phát hành của VNG.
Có nhiều người thắc mắc không biết liệu Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến có phải là một bản port của phiên bản PC hay không. Câu trả lời là: Không. Cụ thể hơn thì ở dưới đây là những điểm khác biệt giữa Tốc Chiến và phiên bản PC:
- Thời lượng của mỗi trận đấu trong Tốc Chiến thường chỉ kéo dài từ 15-20 phút vì đây là game mobile.
- Tốc Chiến không phải là một bản port, nó là một tựa game hoàn chỉnh khác của thương hiệu Liên Minh Huyền Thoại.
- Tốc Chiến sẽ có nội dung riêng mà bản PC không có. Riot Games sẽ không mang toàn bộ 151 tướng hiện có trên bản PC sang Tốc Chiến. Thay vào đó, họ có thể sẽ bổ sung một số tướng dành riêng cho tựa game mobile này.
- Người chơi sẽ điều khiển tướng của mình bằng 2 cần điều khiển ảo, ở bên trái là di chuyển và ở bên phải là nút ra đòn cùng với các nút kĩ năng.
- Bản đồ của Tốc Chiến nhỏ hơn, tốc độ trận đấu nhanh hơn.
- Các lane trong Tốc Chiến khi vào trận sẽ bị đảo lộn nên chúng được phân thành 4 loại là Mid (đường giữa) – Baron (đường có Baron Nashor) – Rồng (đường có các loại rồng nguyên tố) – Rừng (đường có các khu rừng chứa quái có bùa lợi).
- Các vị tướng trong Tốc Chiến được thiết kế lại hoàn toàn để phù hợp với lối chơi trên mobile.
Một điểm khác mà bất kì người chơi Tốc Chiến nào cũng phải biết: Tốc Chiến được VNG phát hành trong khi phiên bản PC được Garena phát hành. Để chơi được Tốc Chiến, người chơi chỉ có thể sử dụng tài khoản Google – tài khoản Apple – tài khoản Facebook – tài khoản Riot để đăng nhập và sau khi đăng nhập thì bắt buộc khai báo thật các thông tin như số điện thoại – số CMND.
Các bạn có thể truy cập vào App Store hoặc Google Play để tải game về chơi.
Như vậy là các bạn đã nắm được các thông tin cơ bản xoay quanh thể loại game MOBA và Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến rồi. Chuyên mục Vui Cùng Tốc Chiến xin hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết kế tiếp.