Tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa sự tích Ngưu Lang Chức Nữ, câu chuyện tình yêu cảm động đất trời
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ là câu chuyện tình yêu đầy cảm động của Ngưu Lang Chức Nữ và nó cũng là nguồn gốc của ngày lễ Thất Tịch (mùng 7 tháng 7 âm lịch) hằng năm. Đây được xem là ngày lễ tình yêu ở nhiều nước châu Á, cùng tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của sự tích này.
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ là câu chuyện tình yêu nổi tiếng trong văn hóa dân gian các nước châu Á. Chuyện kể về tình yêu giữa chàng chăn trâu Ngưu Lang và nàng tiên dệt vải Chức Nữ. Họ kết duyên vợ chồng nhưng bị chia cắt bởi Ngọc Hoàng. Hằng năm, họ chỉ được gặp nhau một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, khi hàng ngàn con quạ bắc cầu Ô Thước qua sông Ngân. Sự tích này là biểu tượng cho tình yêu chung thủy, sắt son và niềm khát khao vượt qua mọi trở ngại để đến với nhau.
1. Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ có xuất xứ từ đâu?
Gắn liền với ngày Thất Tịch mùng 7 tháng 7 âm lịch, sự tích Ngưu Lang Chức Nữ là câu chuyện tình yêu được lưu truyền rộng rãi trong văn hóa dân gian nhiều nước châu Á. Chuyện kể về chàng trai chăn trâu Ngưu Lang và nàng tiên dệt vải Chức Nữ (ở Việt Nam còn gọi là Ông Ngâu Bà Ngâu). Ban đầu bắt nguồn từ Trung Quốc, câu chuyện đã lan tỏa và trở thành một trong Tứ đại truyền thuyết của Trung Hoa, sau đó du nhập vào văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Truyền thuyết này không chỉ lý giải nguồn gốc của sao Ngưu Lang (Altair) và sao Chức Nữ (Vega), mà còn được coi là lời giải thích thú vị cho hiện tượng mưa ngâu diễn ra vào đầu tháng 7 âm lịch. Qua thời gian, sự tích Ngưu Lang Chức Nữ đã được kể lại với nhiều phiên bản khác nhau, mang dấu ấn riêng của từng nền văn hóa.
2. Một số dị bản sự tích Ngưu Lang Chức Nữ
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ phiên bản Việt Nam
Dân gian Việt Nam lưu truyền câu chuyện về Ngưu Lang - Chức Nữ như sau: Ngưu Lang vốn là một chàng chăn trâu khỏe mạnh, thổi sáo rất hay làm việc cho Ngọc Hoàng trên thiên đình. Còn Chức Nữ là một nàng tiên xinh đẹp, khéo léo, đảm nhiệm công việc dệt vải. Trong một lần gặp gỡ tình cờ, hai người đã phải lòng nhau.
Từ khi yêu, Ngưu Lang mải mê với Chức Nữ nên đã lơ là việc chăn trâu, để đàn trâu đi lạc vào cung điện của Ngọc Hoàng. Chức Nữ cũng vì mê đắm tiếng sáo của Ngưu Lang mà trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng biết chuyện nổi giận, chia cắt hai người, một người ở đầu sông Ngân, một người ở cuối sông.
Thấy hai người dù bị chia cắt nhưng vẫn yêu thương nhau tha thiết, Ngọc Hoàng động lòng trắc ẩn, cho phép họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7 tháng 7 âm lịch, tức ngày lễ Thất Tịch. Và đàn quạ chính là những sứ giả tình yêu, họp lại tạo thành cầu Ô Thước bắc qua sông Ngân cho Ngưu Lang - Chức Nữ sum họp.
Ngày hai người chia tay trở về hai đầu bờ sông, họ khóc nức nở vì tiếc nuối. Nước mắt của họ rơi xuống trần gian hóa thành những cơn mưa ngâu. Cũng vì vậy mà người dân gọi họ là Ông Ngâu Bà Ngâu.
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ phiên bản Trung Quốc
Người Trung Quốc kể lại sự tích Ngưu Lang - Chức Nữ với những tình tiết phong phú hơn. Chuyện kể rằng, Ngưu Lang là một chàng trai chăn bò hiền lành, chăm chỉ. Một hôm, chàng bắt gặp bảy nàng tiên đang tắm và vui đùa bên hồ nước. Nghe theo lời xúi giục của chú bò thần, Ngưu Lang lấy trộm quần áo của các nàng tiên. Để lấy lại y phục, Chức Nữ - nàng tiên út xinh đẹp nhất đành phải xuất hiện trước Ngưu Lang. Vì đã trót nhìn thấy dung nhan của Chức Nữ, Ngưu Lang bèn cầu hôn nàng theo phong tục lúc bấy giờ.
Hai người thành vợ chồng và sống hạnh phúc bên nhau. Tuy nhiên, Thiên Hậu - mẹ của Chức Nữ - không chấp nhận cuộc hôn nhân này. Bà nổi giận và ép Chức Nữ trở lại thiên đình, tiếp tục công việc dệt vải. Để chia cắt đôi vợ chồng mãi mãi, Thiên Hậu dùng kẹp tóc vạch một dòng sông ngăn cách trên bầu trời.
Chức Nữ buồn bã phải trở về thiên đình, ngày đêm nhớ thương chồng con. Ngưu Lang ở dưới trần gian cũng chỉ biết nhìn vợ từ xa, vò võ nuôi hai con nhỏ. Xót thương cho hoàn cảnh của Ngưu Lang - Chức Nữ, đàn quạ quyết định bay lên trời, dùng thân mình làm cầu cho hai người gặp nhau vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch. Cảm động trước tình yêu chung thủy ấy, Ngọc Hoàng cũng ra lệnh cho Ngưu Lang - Chức Nữ được đoàn tụ hàng năm vào ngày này.
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ phiên bản Nhật Bản
Trong văn hóa dân gian Nhật Bản, sự tích Ngưu Lang Chức Nữ được kể lại với những nét đặc trưng riêng. Orihime (tên gọi khác của Chức Nữ) là con gái của Thiên Đế, một nàng công chúa xinh đẹp, tài giỏi nổi tiếng với tài dệt vải. Nàng đem lòng yêu Hikoboshi (tên gọi khác của Ngưu Lang), một chàng trai chăn bò hiền lành, chất phác. Vượt qua sự khác biệt về thân phận, Thiê Đế chấp thuận cho họ kết hôn vì tình yêu chân thành của đôi trẻ.
Tuy nhiên, sau khi cưới, Hikoboshi và Orihime mải mê tận hưởng hạnh phúc lứa đôi mà quên đi trách nhiệm của mình. Orihime không còn dệt vải, Hikoboshi để đàn bò lên tận thiên đình. Việc này khiến các vị thần bất bình, tâu với Thiên Đế. Hai vợ chồng bị phạt phải sống xa nhau, mỗi người một bên bờ sông Ngân, chỉ được gặp nhau vào ngày 7/7 hàng năm. Trong ngày này, đàn quạ sẽ bắc cầu Ô Thước để họ đoàn tụ. Nhưng nếu trời mưa, nước sông dâng cao, đàn quạ không thể bắc cầu, Hikoboshi và Orihime đành phải chờ đợi đến năm sau.
3. Ý nghĩa sự tích Ngưu Lang Chức Nữ
Khởi nguồn cho Lễ Thất Tịch hay Lễ tình nhân
Sự tích Ngưu Lang Chức Nữ chính là nguồn gốc của lễ Thất Tịch, hay còn được biết đến là lễ tình nhân ở một số quốc gia châu Á. Đây là một ngày lễ quan trọng trong văn hóa Trung Quốc, khi các cô gái trẻ cầu nguyện cho sự khéo léo, đảm đang và một tình yêu chung thủy, bền chặt như Ngưu Lang - Chức Nữ.
Tại Việt Nam, lễ Thất Tịch còn được gọi là ngày Ông Ngâu Bà Ngâu. Vào ngày này, các cặp đôi thường bày tỏ tình cảm và cầu chúc cho tình yêu của mình được bền lâu. Bên cạnh ý nghĩa về tình yêu đôi lứa, Thất Tịch cũng là dịp để mọi người cầu mong hạnh phúc gia đình và sức khỏe cho người thân.
Trong ngày lễ Thất Tịch, nhiều cặp đôi thường tìm đến các ngôi chùa để cầu duyên, mong cho tình yêu của mình được bền chặt, vững bền như Ngưu Lang - Chức Nữ. Nếu trời quang mây tạnh, vào đêm mùng 7 tháng 7 âm lịch, các cặp tình nhân còn cùng nhau ngắm sao Ngưu Lang và sao Chức Nữ tỏa sáng trên bầu trời đêm. Đây là khoảnh khắc lãng mạn để họ gửi gắm những ước nguyện về tình yêu vĩnh cửu, hạnh phúc trọn đời.
Một số điều kiêng kỵ trong ngày lễ Thất Tịch
Theo quan niệm dân gian, ngày lễ Thất Tịch có một số điều kiêng kỵ nên tránh để không gặp phải vận xui, cụ thể là:
- Kiêng cưới hỏi: Vì Thất Tịch là ngày Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau sau một năm xa cách, nhưng khoảnh khắc đoàn viên ngắn ngủi nhanh chóng qua đi và họ lại phải chia xa. Do đó, nhiều người tin rằng cưới hỏi vào ngày này tình duyên lận đận, dễ sẽ khiến tan vỡ.
- Kiêng động thổ, xây nhà: Người xưa cho rằng không nên động thổ, xây nhà trong ngày Thất Tịch vì mưa ngâu có thể làm ảnh hưởng đến công trình. Hơn nữa, tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn, thời điểm ma quỷ hoạt động mạnh, nên tránh làm những việc lớn lao, tốn kém như xây dựng nhà cửa.
Tạm kết
Trên đây là nguồn gốc xuất xứ của sự tích Ngưu Lang Chức Nữ cũng như một số dị bản khác nhau của câu chuyện này. Sau khi nghe câu chuyện, bạn cũng đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa của nó và về khởi nguồn của lễ Thất Tịch tại một số nước châu Á.
Nếu có nhu cầu mua các sản phẩm điện máy gia dụng chất lượng cao, chẳng hạn như máy lọc không khí để cải thiện sức khỏe trong gia đình, bạn có thể tham khảo các sản phẩm tại FPT Shop. Xem các sản phẩm tại đây:
Xem thêm:
Thất Tịch là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày lễ Thất Tích có thể bạn chưa biết
Ngày 7 tháng 7 là ngày gì? Thuộc cung hoàng đạo nào? Nguồn gốc, ý nghĩa ngày lễ Thất Tịch