Hướng dẫn 4 bước vệ sinh đèn bắt muỗi đúng cách, đảm bảo an toàn khi sử dụng
Áp dụng cách vệ sinh đèn bắt muỗi dưới đây tối thiểu 2 – 3 ngày/lần hoặc khi đèn có quá nhiều xác muỗi khô để thiết bị luôn sạch sẽ, hoạt động hiệu quả, bền bỉ.
Những ngày mưa ẩm cùng với thời tiết mùa hè nóng bức tạo điều kiện lý tưởng cho lũ muỗi sinh sôi và phát triển. Ngoài những cách đuổi muỗi cơ bản như sử dụng tinh dầu, sáp thơm, sả hay vỏ bưởi, thì những thiết bị chuyên dụng như vợt muỗi hay đèn bắt muỗi là sự lựa chọn hợp lý để phòng chống và tiêu diệt loài côn trùng này hiệu quả.
Vệ sinh đèn bắt muỗi thường xuyên là một thói quen cần thiết để giữ cho thiết bị luôn sạch sẽ, diệt côn trùng tốt, tăng độ bền tối ưu. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách vệ sinh đèn bắt muỗi chuẩn và đảm bảo an toàn nhất.
Bao lâu nên vệ sinh đèn bắt muỗi?
Đèn bắt muỗi cần được vệ sinh định kỳ 2 – 3 ngày/lần hoặc nhiều hơn trong trường hợp nhà bạn có nhiều muỗi. Xác muỗi và bụi bẩn khi bị bám lại lâu ngày sẽ rất khó làm sạch, ảnh hưởng đến chất lượng và độ bền của đèn bắt muỗi, thậm chí tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi phát triển trong không gian sống của gia đình bạn. Vậy phải vệ sinh đèn bắt muỗi như thế nào?
Hướng dẫn cách vệ sinh đèn bắt muỗi an toàn
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ vệ sinh
- Chổi quét bụi mini chuyên dụng: 1 chiếc.
- Khăn mềm không có nhiều xơ vải: 1 chiếc.
- Nước ấm: 1 chậu nhỏ.
- Dung dịch tẩy rửa nhẹ: Nước rửa chén, xà phòng rửa tay…
Trước khi tiến hành làm sạch đèn bắt muỗi của gia đình, bạn lưu ý rút phích cắm điện để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị rò rỉ điện, chập cháy nguy hiểm.
Bước 2: Tháo đèn để loại bỏ xác muỗi
Sau vài ngày sử dụng, đèn diệt muỗi có thể chứa rất nhiều xác muỗi bị hút vào trong quá trình hoạt động. Chính vì vậy, trước tiên bạn cần tháo các bộ phận của đèn, lấy khay hứng xác muỗi ra để vệ sinh sạch sẽ. Tùy vào loại đèn bắt muỗi gia đình đang sử dụng mà bạn tháo lắp sao cho hợp lý.
- Đối với đèn có thể tháo rời đáy: Bạn mở nắp đáy của đèn – cũng là khay hứng muỗi ra, đổ xác muỗi vào thùng rác để đảm bảo vệ sinh. Tiếp tục tháo khung đỡ đèn, lấy lưới điện và bóng đèn ra ngoài, dùng chổi chuyên dụng phủi sạch loại bỏ toàn bộ bụi bẩn và xác muỗi còn sót lại trên các bộ phận này.
- Đối với loại đèn không thể tháo nắp đáy: Bạn chỉ tiến hành tháo nắp đậy phía trên và phần khung xung quanh lưới điện. Sau đó, dùng chổi phủi lưới điện để loại bỏ bụi bẩn, xác muỗi bám dính và nghiêng đèn để chúng rơi ra ngoài.
Bước 3: Làm sạch các bộ phận của đèn
Làm ẩm khăn mềm đã chuẩn bị trong nước ấm rồi sử dụng để lau sạch các bộ phận của đèn bao gồm đèn LED, lưới điện, vỏ đèn, dây điện, công tắc. Lưu ý, chỉ lau nhẹ tay để tránh làm xước hỏng các bộ phận của đèn bắt muỗi. Tuyệt đối không dùng khăn ướt lau đèn bắt muỗi khiến nước bị rò rỉ vào trong, gây chập cháy, giật điện khi cắm điện sử dụng vô cùng nguy hiểm.
Trong trường hợp đèn bắt muỗi quá bẩn khiến việc làm sạch trở nên khó khăn, bạn hãy làm như sau. Pha loãng dung dịch tẩy rửa nhẹ như nước rửa chén hay xà phòng với nước sạch, làm ẩm khăn mềm với dung dịch này, vắt thật ráo nước rồi lau nhẹ nhàng các bộ phận của đèn bắt muỗi.
Bước 4: Lau lại đèn bắt muỗi bằng khăn khô
Để đảm bảo đèn bắt muỗi không bị ẩm, bạn hãy sử dụng khăn mềm khô hoặc khăn giấy khô lau lại các bộ phận của đèn một lần nữa. Để đèn ở nơi thoáng mát cho các bộ phận khô ráo hoàn toàn, sau đó lắp lại và cắm điện dùng như bình thường. Vậy là bạn đã thực hiện xong cách vệ sinh đèn bắt muỗi vô cùng đơn giản.
Một số lưu ý khi vệ sinh đèn bắt muỗi
- Trong quá trình vệ sinh đèn bắt muỗi, hãy chú ý nhẹ tay, đặc biệt là khi làm sạch bộ phận đèn LED và lưới điện. Không để nước rơi rớt vào bên trong đèn bắt muỗi, ảnh hưởng đến mạch điện gây chập cháy.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại dung dịch tẩy rửa mạnh làm mòn chất liệu đèn bắt muỗi, giảm độ bền của sản phẩm.
Với cách vệ sinh đèn bắt muỗi trên, bạn hãy thực hiện thường xuyên để giữ thiết bị sạch sẽ, hoạt động bền bỉ, diệt sạch lũ muỗi hiệu quả nhé!