/2020_7_9_637299002340724105_tan-so-quet-la-gi-giai-ma-cuoc-chay-dua-tan-so-quet-man-hinh-tren-smartphone-4.jpg)
/2018_4_23_636600914444940034_12_9a2b8b6102.jpg)
/2018_4_23_636600914444940034_12_9a2b8b6102.jpg)
Tần số quét màn hình là gì? Giải mã cuộc chạy đua tần số quét màn hình trên smartphone
Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc về tần số quét và lý giải tại sao thông số này lại khởi đầu một cuộc cạnh tranh mới trong làng di động.
Kể từ đầu năm 2020, một cuộc chạy đua mới đã nhen nhóm xuất hiện trong mảng smartphone khi các nhà sản xuất như OPPO, Samsung, Huawei liên tục nâng cấp tần số quét màn hình điện thoại lên cao hơn ngưỡng 60Hz tiêu chuẩn, bất chấp giá thành sản xuất đắt đỏ hơn.
Tần số quét màn hình là gì?
Hiểu đơn giản, tần số quét màn hình là số lần làm tươi hình ảnh của màn hình trong một giây. Do đó, thông số này còn gọi với những cái tên như tốc độ làm tươi, tốc độ làm mới hay tốc độ quét và được tính theo đơn vị Hz (Hertz). Nhiều người thường nhầm lẫn tần số quét với tốc độ khung hình (fps). Nếu thông số fps phụ thuộc vào nội dung hiển thị thì tần số quét lại là thuộc tính sẵn có của phần cứng màn hình.
Ví dụ dễ hiểu là nếu bạn trải nghiệm một tựa game ở tốc độ khung hình 90fps nhưng chiếc điện thoại của bạn lại chỉ có màn hình 60Hz thông thường thì điều đó sẽ không đem tới sự khác biệt nào về cảm nhận. Ngược lại, khi bạn dùng một chiếc smartphone màn hình 90Hz nhưng tựa game bạn chơi lại không chạm ngưỡng 90 fps thì những trải nghiệm hình ảnh cũng không được như mong đợi.
Những lợi thế của màn hình tần số quét cao
Ngoài lợi thế nổi bật khi chơi game, màn hình tốc độ quét cao sẽ giúp chiếc điện thoại thể hiện hiệu ứng chuyển cảnh mượt mà hơn khi vuốt chạm, đem lại cảm giác linh hoạt hơn trong quá trình duyệt web. Với những nội dung có nhiều hiệu ứng đồ họa chuyển động thì màn hình 120Hz đem lại trải nghiệm cực kỳ khác biệt. Cầm và trải nghiệm một chiếc smartphone màn hình 120Hz như Samsung Galaxy S20+ hay OPPO Find X2 Pro, bạn sẽ thấy các tác vụ được phản hồi nhanh hơn, khả năng hiển thị nội dung cũng chất lượng hơn.
Ba mức tốc độ làm mới phổ biến trên điện thoại
Màn hình của smartphone hiện nay có ba mức tốc độ làm tươi phổ biến là 60Hz, 90Hz và 120Hz. Trong đó, 60Hz là tốc độ làm tươi của smartphone thông thường với khả năng làm mới màn hình 60 lần mỗi giây.
Thông số 90Hz tương đương với tốc độ 90 lần làm mới một giây, hiện đang xuất hiện trên những smartphone như Xiaomi Mi 10, Realme 6. Mức cao nhất là 120Hz cho phép thay đổi nội dung 120 lần/giây và được tích hợp trên các dòng smartphone gaming và smartphone cao cấp.
Cuộc chạy đua tốc độ quét màn hình smartphone
Với những lợi thế kể trên, tại sao việc gia tăng tốc độ làm mới màn hình smartphone không được chú trọng từ nhiều năm trước mà chỉ mới bùng nổ trong năm 2020? Đó là bởi chi phí sản xuất màn hình tần số quét cao hết sức đắt đỏ. Đây là một tính năng cao cấp và hiện chỉ mới góp mặt trên những model chủ lực từ mỗi thương hiệu.
Người tiêu dùng hiện nay ngày càng tìm hiểu kỹ hơn và yêu cầu nhiều hơn về mặt trải nghiệm khi chọn mua một chiếc điện thoại. Ngoài các yếu tố như kích cỡ, độ phân giải và mật độ điểm ảnh thì tần số quét hiện là chìa khóa quan trọng để đưa ra quyết định chọn mua, đặc biệt là với những người thường chơi game trên điện thoại. Do đó, nâng cấp tần số quét màn hình trở thành một cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng.
Tương lai của tốc độ quét màn hình trên điện thoại
Trước đây, chúng ta chỉ có thể tìm kiếm trải nghiệm chơi game mượt mà từ màn hình 120Hz và 144Hz trên máy tính. Nhưng với cuộc chạy đua nâng cấp tốc độ làm mới màn hình điện thoại hiện nay, các “game thủ” trên nền tảng di động sẽ sớm được sử dụng những thiết bị 120Hz với game play xuất sắc như mong đợi. Ngoài yếu điểm khiến cho pin hao hụt nhanh hơn, tần số quét là một tính năng cực kì hữu dụng bởi nó thay đổi trực tiếp trải nghiệm hình ảnh của chúng ta.
Có tin đồn cho thấy Apple đang rục rịch tung ra những chiếc iPhone màn hình 120Hz. Tin rằng trong tương lai, thông số màn hình 120Hz và 90Hz sẽ trở thành tiêu chuẩn chung trên smartphone và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ cuộc chạy đua này.