/2016_10_17_636123420359502872_LCD-vs-OLED.jpg)
Phân biệt công nghệ màn hình OLED và LCD: Bạn chọn loại nào?
OLED và LCD là hai công nghệ màn hình phổ biến trên smartphone hiện nay. Vậy ưu và nhược điểm của hai loại màn hình này là gì? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.
OLED và LCD là hai công nghệ màn hình phổ biến nhất hiện nay không chỉ xuất hiện trên các loại tivi mà nó còn được trang bị cho cả smartphone. Vậy ưu và nhược điểm của hai loại màn hình này là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi hóc búa trên.
Khái niệm công nghệ màn hình LCD
LCD là tên viết tắt của (Liquid Crystal Display) hay còn được biết đến cái tên dân dã hơn là màn hình tinh thể lỏng. Trước khi OLED xuất hiện thì LCD cực kì phổ biến, nó luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho các loại tivi, màn hình máy tính cũng như trang bị cho smartphone (HTC là hãng rất ưa chuộng công nghệ này).
HTC là hãng điện thoại rất chuộng công nghệ màn hình LCD
Màn hình LCD hoạt động nhờ vào sử dụng ánh sáng từ đèn nền phát quang đến những hạt tinh thể lỏng có khả năng phát sáng gián tiếp (các hạt tinh thể lòng này có thể đổi màu sắc dựa trên đèn nền). Công nghệ màn hình LCD đòi hỏi phải có 3 tấm kính LCD khác nhau cho các tín hiệu: Đỏ, lục và xanh, vì vậy xét về kích thước LCD sẽ “dày” hơn các loại công nghệ màn hình khác.
Màn hình LCD bao gồm 3 công nghệ tấm nền chủ yếu là Twisted Nematic (TN), Vertical Alignment (VA) và In-Plane Switching (IPS). Trong đó IPS là loại tấm nền cao cấp nhất, được đánh giá cao về khả năng hiển thị bởi nó mang lại góc nhìn rộng, màu sắc tái tạo trung thực và độ sáng cao. Trước đây LCD IPS chỉ được trang bị cho những smartphone cao cấp nhưng về sau khi giá thành sản xuất tấm nền màn hình giảm xuống nó đã được trang bị đại trà.
So sánh về cấu trúc tấm nền giữa LCD và OLED
Khái niệm màn hình OLED
OLED là viết tắt của chữ Organic Light Emitting Diode (đi-ốt phát quang hữu cơ), theo Wikipedia thì điốt phát sáng hữu cơ là một loại điốt phát quang (LED) trong đó lớp phát xạ điện quang là một màng thuốc (film) làm bằng vật liệu là một loại chất bán dẫn hữu cơ có khả năng phát sáng khi có dòng điện chạy qua. Để đơn giản hóa các bạn có thể hiểu rằng, OLED là loại công nghệ màn hình sử dụng chính những “điểm ảnh” tự phát sáng để thể hiện khả năng hiển thị hình ảnh. Điều này hoàn toàn khác với cơ chế phát sáng gián tiếp nhờ vào đèn nền của công nghệ LCD.
Đặc điểm khác của OLED chính là tái tạo màu sắc “đậm đà”, thường gắt hơn so với màu thực tế, mang lại cảm giác "nịnh mắt”. Màu sắc đen trên màn hình OLED cũng thể hiện rất sâu. Về tấm nền màn hình OLED gồm nhiều lớp polymer siêu mỏng đặt chồng lên nhau, sẽ có một lớp đi-ốt hữu cơ bị kẹp giữa hai lớp điện cực (âm-dương), khi có dòng điện chạy qua các điểm ảnh sẽ tự động phát sáng.
Màn hình OLED hoàn toàn có thể uốn dẻo, bẻ cong
So sánh LCD và OLED. Màn hình nào tốt hơn?
Mỗi loại màn hình đều có có những ưu và nhược điểm riêng. Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất trên hai loại màn hình này chính là khả năng hiển thị màu sắc. Với LCD mà cụ thể là IPS LCD thì màu sắc sẽ được tái tạo trung thực, những người làm về mảng nhiếp ảnh hoặc đồ họa có thể nắm bắt được màu sắc chủ thể rồi từ đó đưa ra được sự cân chỉnh thích hợp theo ý đồ công việc.
Đối với OLED thì nó sẽ tạo được hiệu ứng đánh lừa thị giác. Điều này mang lại những trải nghiệm giải trí tuyệt vời hơn, đặc biệt là khi thường thức phim trên smartphone.
Ưu điểm của màn hình LCD và màn hình OLED
Công nghệ màn hình LCD:
- Hình ảnh sắc nét, trung thực
- Độ sáng cao
Công nghệ màn hình OLED:
- Hình ảnh có độ tương phản cao
- Khả năng chịu lực nhấn tốt hơn – Bền hơn trong một số trường hợp đặc biệt
- Tiết kiệm điện hơn LCD
- Dễ dàng uốn dẻo theo các hình dạng khác nhau
Nhược điểm
Công nghệ màn hình LCD:
- Kích thước dày vì phải đặt đến 3 lớp kính
- Tiêu hao điện năng do sử dụng đèn nền
Màn hình OLED:
- Xuất hiện các hạt do sáng theo điểm ảnh, khiến hình ảnh không mịn màng
- Khả năng hiển thị dưới nắng không quá xuất sắc
Lộc Nguyễn