/2023_7_4_638240825388469027_tieu-chuan-chong-nuoc-02.jpg)
Phân biệt các tiêu chuẩn IP trên smartphone chống nước hiện nay
Vài năm trở lại đây, tiêu chuẩn IP đang xuất hiện phổ biến hơn trên các dòng smartphone cao cấp. Hãy cùng FPT Shop tìm hiểu và phân biệt về những tiêu chuẩn IP phổ biến hiện nay trong bài viết dưới đây nhé.
Trong thế giới công nghệ ngày nay, điện thoại di động đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Chúng ta mang theo điện thoại trong mỗi cuộc họp, khi đi dạo phố, tập thể dục thể thao và những chuyến du lịch... Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng thiết bị di động cao cấp này có thể chịu được tác động từ môi trường xung quanh, đặc biệt là nước và bụi bẩn.
Để đáp ứng nhu cầu này, tiêu chuẩn IP đã ra đời và trở thành một tính năng quan trọng trên các dòng điện thoại thông minh thế hệ mới, đặc biệt là ở phân khúc smartphone cao cấp. Vậy IP là gì? Có những tiêu chuẩn IP phổ biến nào Hãy cùng giải đáp những thắc mắc đó trong bài viết này nhé.
Sơ lược về tiêu chuẩn IP
Ở lĩnh vực công nghệ và thiết bị điện tử, tiêu chuẩn IP (Ingress Protection) đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng chống thâm nhập của mỗi sản phẩm trước các yếu tố như nước, bụi bẩn và tác động từ môi trường.
IP là một phần của bộ tiêu chuẩn quốc tế IEC 60529 và được áp dụng rộng rãi trên các sản phẩm điện tử, từ điện thoại di động cho đến các thiết bị gia đình và công nghiệp. Tiêu chuẩn IP xác định mức độ miễn nhiễm của thiết bị trước các yếu tố xâm nhập từ môi trường bên ngoài, đồng thời cung cấp thông tin cho người dùng về khả năng sử dụng của thiết bị trong các điều kiện khắc nghiệt.
Hệ thống xếp hạng IP
Hệ thống xếp hạng IP được đặt ra bởi Tổ chức Tiêu chuẩn Hóa Quốc tế (ISO) và Liên minh Điện tử Quốc tế (IEC) để đảm bảo tính nhất quán và hiệu quả trong việc đánh giá khả năng chống thấm nước của các thiết bị.
Tiêu chuẩn IP thường được diễn đạt bằng hai con số sau chữ IP. Con số đầu tiên thể hiện mức độ bảo vệ chống bụi xâm nhập và con số thứ hai thể hiện mức độ chống nước xâm nhập. Mỗi con số có thang đo từ 0 đến 6 hoặc từ 0 đến 8, thông số càng cao thì khả năng chống xâm nhập càng tốt.
Trong trường hợp thiết bị khuyết thiếu khả năng chống bụi và chống nước, chữ số tương ứng sẽ được thay bằng ký tự "X". Đó chính là lý do mà bạn thấy có những tiêu chuẩn như IPX5, IPX6, IP5X, IP6X trên một số thiết bị di động.
Dưới đây là ý nghĩa của các chữ số có trong xếp hạng IP:
Chữ số đầu tiên đại diện cho năng lực chống bụi
- IP0X: Thiết bị không có năng lực chống bụi hoặc chất rắn xâm nhập.
- IP1X: Thiết bị có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của các bụi bẩn có kích thước lớn hơn 50mm.
- IP2X: Thiết bị có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn kích thước lớn hơn 12.5mm.
- IP3X: Thiết bị có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn kích thước lớn hơn 2.5mm.
- IP4X: Thiết bị có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn kích thước lớn hơn 1mm.
- IP5X: Thiết bị có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn kích thước lớn hơn 0,05mm.
- IP6X: Thiết bị có khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của bụi bẩn kích thước ngang bằng 0,05mm.
Chữ số thứ hai đại diện cho khả năng chống nước
- IPX0: Thiết bị không có khả năng chống nước.
- IPX1: Thiết bị có khả năng chống thấm với nước rơi từ trên xuống.
- IPX2: Thiết bị có khả năng chống thấm với dòng nước tác động ở góc nghiêng 15 độ.
- IPX3: Thiết bị có khả năng chống thấm với dòng nước tác động ở góc nghiêng 60 độ.
- IPX4: Thiết bị có khả năng chống thấm với các dòng nước tác động từ mọi hướng.
- IPX5: Thiết bị có khả năng chống thấm từ những tia nước mạnh.
- IPX6: Thiết bị có khả năng chống thấm từ các dòng nước mạnh.
- IPX7: Thiết bị có khả năng chống thấm khi ngâm trong nước ở độ sâu 1 mét suốt 30 phút.
- IPX8: Thiết bị có khả năng chống thấm khi ngâm trong nước ở độ sâu 1,5 mét suốt 30 phút.
Ưu nhược điểm của điện thoại chống nước
Chống nước là một tính năng hữu ích để bảo vệ điện thoại khỏi những tác động của nước và các yếu tố môi trường khác. Tuy nhiên, như bất kỳ tính năng nào khác, tiêu chuẩn IP cũng có những ưu nhược điểm riêng. Dưới đây là một số thế mạnh và điểm yếu của điện thoại chống nước:
Ưu điểm của điện thoại chống nước
- An toàn hơn khi tiếp xúc với nước: Điện thoại chống nước có khả năng chống thấm nước, giúp bảo vệ thiết bị khỏi các tai nạn như rơi xuống nước, nước mưa bắn vào hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường ẩm ướt.
- Phù hợp để sử dụng ở nhiều điều kiện khác nhau: Nhờ khả năng chống nước, bạn có thể sử dụng điện thoại trong môi trường ẩm ướt như trong mưa, tắm biển hoặc đi bơi mà không cần lo lắng về việc thiết bị sẽ bị hư hỏng.
- Chụp ảnh dưới nước: Một số dòng điện thoại chống nước cho phép người dùng chụp ảnh và quay video dưới nước để tạo ra những bức ảnh độc đáo và đẹp mắt trong môi trường nước.
Nhược điểm của điện thoại chống nước
- Giới hạn khả năng chống nước: Mặc dù được gọi là điện thoại chống nước, nhưng chúng thường chỉ có khả năng chống nước ở mức độ nhất định nào đó và trong một thời gian giới hạn. Vượt quá giới hạn này có thể gây hư hỏng cho thiết bị. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng sẽ không bảo hành các thiết bị nếu chúng có dấu hiệu bị nước xâm nhập vào bên trong.
- Giá thành cao hơn: Điện thoại chống nước thường có giá thành đắt đỏ và nằm trong phân khúc cao cấp. Điều đó có nghĩa là người dùng cần chi trả nhiều tiền hơn để có thêm tính năng chống nước cho thiết bị của mình.
- Khó sửa chữa hơn: Nhằm cần đảm bảo độ khép kín cho thân máy, những chiếc smartphone chống nước thường có cấu trúc phức tạp hơn so với thông thường. Điều đó có thể gây ra khó khăn trong việc sửa chữa trong tương lai.
Một số chuẩn chống nước phổ biến
Ngoài IP68, còn có nhiều tiêu chuẩn IP khác như IP52, IP53, IP54 và IP64. Các tiêu chuẩn này đều có mức độ bảo vệ khác nhau và được áp dụng cho các thiết bị di động tùy theo môi trường sử dụng cụ thể. Dưới đây là một số tiêu chuẩn chống nước phổ biến và ý nghĩa của chúng.
IP68 là gì?
IP68 là một tiêu chuẩn phổ biến được áp dụng cho nhiều smartphone và thiết bị điện tử khác hiện nay. Chữ số 6 đại diện cho mức độ bảo vệ chống bụi. Theo tiêu chuẩn này, thiết bị có khả năng chống bụi hoàn toàn trong mọi điều kiện sử dụng. Trong khi đó, số 8 lại đại diện cho mức độ kháng nước, tức là thiết bị có thể chống lại sự xâm nhập của nước vào trong thân máy khi ngâm ở độ sâu tối đa 1,5 mét trong thời gian 30 phút.
Điều này đồng nghĩa với việc một thiết bị đạt chứng nhận IP68 sẽ được bảo vệ tuyệt đối khỏi bụi bẩn và có thể hoạt động trong môi trường có nhiều bụi mà không bị ảnh hưởng đến hiệu suất hoặc tuổi thọ của sử dụng.
IP52, IP53, IP54 là gì?
Các thiết bị đạt chuẩn IP52, IP53 hoặc IP54 sẽ có khả năng ngăn chặn bụi thường và bụi mịn, tránh hiện tượng bụi gây ra cản trở cho quá trình vận hành của thiết bị. Dù có cùng mức chống bụi nhưng năng lực chống nước trên 3 quy chuẩn này sẽ có sự khác biệt nhất định như:
- IP52: Chống nước ở góc nghiêng 15 độ.
- IP53: Chống nước ở góc nghiêng 60 độ.
- IP54: Chống nước rơi ở mọi hướng.
IP64 là gì?
Con số “6” trong IP64 chỉ khả năng chống bụi của thiết bị. Chỉ số này đại diện cho việc thiết bị có khả năng ngăn chặn bụi 100% và ngăn cản sự xâm nhập của những hạt bụi có kích thước lớn hơn 0,05mm. Điều này giúp thiết bị được bảo vệ tốt khỏi bụi bẩn và không bị hỏng hóc bởi tác nhân bụi từ môi trường.
Trong khi đó, số “4” trong IP64 ám chỉ khả năng chống nước của thiết bị. Chữ số 4 đại diện cho mức độ chống nước, thiết bị sẽ có khả năng chống lại các giọt nước rơi từ mọi hướng. Tuy nhiên, IP64 không đảm bảo khả năng chống nước hoàn toàn và thiết bị có thể không thích hợp cho việc ngâm nước hoặc tiếp xúc lâu dưới nước.
IPX5 là gì?
IPX5 là một xếp hạng IP chuẩn và đại diện cho khả năng chống nước của thiết bị. Trong xếp hạng IPX5, con số 5 biểu thị khả năng chống nước của thiết bị và X biểu thị thiết bị không có thông tin về khả năng chống bụi.
Cụ thể, xếp hạng IPX5 cho biết thiết bị có khả năng chống lại nước bắn từ mọi hướng. Điều này có nghĩa là trong môi trường sử dụng, thiết bị có thể chịu được nước phun trực tiếp lên mà không gặp ảnh hưởng đáng kể nào. Tuy nhiên, xếp hạng IPX5 không đảm bảo khả năng chống nước cho thiết bị khi ngâm hoàn toàn trong nước.
IPX6 là gì?
Trong xếp hạng IPX6, chữ số X đại diện cho việc không có thông số cụ thể được gán cho năng lực chống bụi của thiết bị. Tuy nhiên, chữ số 6 trong IPX6 chỉ rõ khả năng chống nước tương đối cao. IPX6 ám chỉ việc sản phẩm có thể chống chịu dòng nước phun trực tiếp từ mọi hướng với áp lực cao.
Kết luận
Việc hiểu và chọn lựa các thiết bị đạt chuẩn IP phù hợp là rất quan trọng, đặc biệt với những người dùng thường xuyên phải làm việc trong môi trường ẩm ướt, nhiều bụi bẩn hoặc đòi hỏi độ bền cao. Tiêu chuẩn IP giúp đảm bảo rằng thiết bị của chúng ta có thể hoạt động ổn định và bền bỉ trong các điều kiện khắc nghiệt, đồng thời giúp chúng ta yên tâm hơn khi sử dụng chiếc smartphone của mình hàng ngày.
Xem thêm: