/2017_6_17_636333014585266000_nhung-van-de-co-the-ban-se-gap-phai-khi-dung-cac-dich-vu-luu-tru-dam-may.png)
Những vấn đề có thể bạn sẽ gặp phải khi dùng các dịch vụ lưu trữ đám mây
Bên cạnh những ưu điểm đã quá rõ của lưu trữ đám mây, bài viết này sẽ liệt kê những vấn đề khi sử dụng lưu trữ đám mây có thể bạn sẽ gặp phải.
Trong nhiều năm trở lại đây, lưu trữ đám mây đã trở thành xu hướng phổ biến của người dùng vì sự tiện lợi, nhanh và an toàn. Bên cạnh những ưu điểm đã quá rõ của lưu trữ đám mây, bài viết này sẽ liệt kê những vấn đề khi sử dụng lưu trữ đám mây có thể bạn sẽ gặp phải trong quá trình sử dụng.
Xem thêm: Top 5 ứng dụng giúp bạn chụp check-in đồ ăn chuyên nghiệp
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã giúp lưu trữ đám mây trở nên cực kỳ phổ biến ở thời điểm hiện tại, vì thế mà các dịch vụ lưu trữ đám mây cũng xuất hiện rất nhiều, chẳng hạn như Google Drive, iCloud, Dropbox,… đồng thời liên tục đưa ra các chính sách giá, bổ sung tính năng để thu hút người dùng. Tuy vậy, lưu trữ đám mây vẫn tồn tại những vấn đề mà chúng ta phải lưu tâm như giá, độ bảo mật của dữ liệu hay thậm chí là mất dữ liệu.
Để hiểu rõ hơn các vấn đề có thể xảy ra với lưu trữ đám mây, mời bạn đọc kỹ hơn những vấn đề ở bên dưới đây.
1. Dữ liệu không được đồng bộ
Chắc chắn với những ai đã và đang sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây cũng từng một vài lần gặp phải vấn đề này. Việc không đồng bộ được dữ liệu đến từ nhiều nguyên nhân, mà cơ bản nhất chính là kết nối Internet có vấn đề. Như bạn cũng biết, lưu trữ đám mây dựa rất nhiều vào Internet, nên việc kết nối Internet có vấn đề được xem là nguyên nhân chính của việc dữ liệu không được đồng bộ. Do đó trước khi đồng bộ dữ liệu, bạn hãy kiểm tra kỹ càng kết nối Internet ở nơi mình đang dùng.
Sau khi kiểm tra thấy kết nối Internet vẫn hoạt động ổn định nhưng vẫn không thể đồng bộ được dữ liệu thì bạn nên thử cách khác là đăng xuất khỏi tài khoản của dịch vụ lưu trữ đám mây, sau đó đăng nhập lại và đồng bộ dữ liệu. Theo nhiều người từng gặp lỗi không đồng bộ được dữ liệu, thì chỉ cần thực hiện 2 cách vừa rồi đã có thể giải quyết được 99,99% vấn đề.
Tuy nhiên, nếu 2 cách trên vẫn không hiệu quả thì bạn sẽ phải dùng đến “tuyệt chiêu cuối” là… gỡ ứng dụng lưu trữ đám mây và cài lại. Bạn đừng lo là sẽ mất đi những dữ liệu đã cập nhật trước đó, vì các dịch vụ lưu trữ đám mây đều có cơ chế tự động dò lại xem dữ liệu nào đã đồng bộ, và dữ liệu nào chưa đồng bộ để tiếp tục đồng bộ. Tuy nhiên, để được như vậy thì khi cài đặt, bạn sẽ phải trỏ thư mục đồng bộ của ứng dụng lưu trữ đám mây vừa cài về đúng thư mục đồng bộ của lần trước.
2. Mạng chậm, khi đồng bộ dữ liệu sẽ chiếm băng thông
Như đã nói ở trên, độ hiệu quả của lưu trữ đám mây phụ thuộc rất nhiều vào kết nối Internet. Bạn sẽ chẳng thể nào dùng các dịch vụ lưu trữ đám mây tốt được nếu kết nối Internet quá chậm, hay liên tục bị ngắt. Nếu bạn đang dùng laptop hay các thiết bị di động khác thì việc phải đồng bộ dữ liệu trong trạng thái kết nối mạng không được tốt cũng khiến cho thiết bị trở nên nóng và tốn pin hơn.
Bên cạnh đó, kết nối không ổn định rất có thể sẽ làm dữ liệu của bạn đồng bộ bị lỗi, dẫn đến việc không mở được file. Do đó, tốt nhất là hãy ngưng quá trình đồng bộ dữ liệu và chỉ tiếp tục đồng bộ dữ liệu ở nơi có kết nối Internet mạnh, ổn định hơn. Ngoài ra, quá trình đồng bộ dữ liệu từ máy tính lên trên các dịch vụ lưu trữ đám mây cũng sẽ khiến băng thông của bạn bị nghẽn, khiến các tác vụ như xem video online, lướt web trở nên chậm đi, để khắc phục điều này bạn chỉ cần vào phần cài đặt của ứng dụng lưu trữ đám mây và giới hạn dung lượng download/upload.
3. Không có khả năng sắp xếp thứ tự đồng bộ
Một điểm hạn chế khác của lưu trữ đám mây là không có tính năng giới hạn dung lượng của một file bất kỳ. Có nghĩa là bất kỳ file nào cũng sẽ được đồng bộ, trong khi bạn chỉ muốn lưu tạm vào thư mục đồng bộ. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng ở những file có dung lượng đến hàng GB, ứng dụng lưu trữ đám mây vẫn “tích cực” đồng bộ file này lên trong khi thực tế người dùng chỉ muốn lưu tạm mà thôi, dẫn đến việc rất mất thời gian và rất nhiều file khác phải chờ file này đồng bộ xong mới đến lượt mình. Vậy nên sẽ tốt hơn nếu các dịch vụ lưu trữ đám mây bổ sung thêm tính năng cho phép người dùng tự sắp xếp thứ tự đồng bộ các file.
4. Hạn chế về giá
Có lẽ rào cản lớn nhất với các dịch vụ lưu trữ đám mây chính là giá. Đa phần các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây đều cho người dùng một khoảng dung lượng miễn phí, tuy nhiên là không nhiều khi chỉ khoảng 5-15 GB, cá biệt như Mega đến 50 GB lưu trữ miễn phí. Dù vậy vẫn sẽ không đủ với đa số người dùng nếu muốn đồng bộ toàn bộ dữ liệu của mình lên mây. Do đó chắc chắn bạn sẽ phải bỏ thêm một khoản tiền để thuê thêm dung lượng lưu trữ, ví dụ như Google Drive là 45.000đ/tháng cho 100 GB, hay 225.000đ/tháng cho 1 TB.
Việc liên tục phải bỏ ra số tiền không nhỏ để duy trì dung lượng lưu trữ hàng tháng sẽ là vấn đề khá đau đầu với tất cả chúng ta. Tuy nhiên, ưu điểm là toàn bộ dữ liệu sẽ luôn được đảm bảo an toàn, có sao lưu và không có bất kỳ mối nguy hại nào có thể ảnh hưởng đến dữ liệu, đó chính là điều quan trọng với chúng ta.
Thái Bình
Theo: Android Central