Quang Bảo - vào ngày 30/12/2020
2 Bình luận
Năm 2020 đánh dấu năm thứ mười của nhà Xiaomi tham gia vào thị trường smartphone, do đó họ chắc chắn là một huyền thoại trong ngành. Trong thập kỷ này, Xiaomi không chỉ đứng trong top 5 thế giới về doanh số bán điện thoại thông minh hàng năm mà còn lọt vào top 500 công ty hàng đầu thế giới. Và trong năm thứ mười, Xiaomi Mi 10 đã đánh dấu sự khởi đầu của một bước chuyển mình từ những chiếc flagship cực kỳ hiệu quả về chi phí và trở thành những chiếc điện thoại cao cấp thực sự.
Các flagship Mi của Xiaomi
Nhưng chúng ta không thể nói về thành công của Xiaomi mà không nói về những chiếc điện thoại hàng đầu của hãng trong quá khứ. Vì vậy, chúng ta hãy quay ngược thời gian và xem công ty trẻ nhất trong danh sách Fortune 500 đã đi từ con số 0 lên hàng chục tỷ đô la vốn hóa thị trường như thế nào.
Điều bạn có thể chưa biết là vào năm đầu tiên mà Xiaomi bước chân vào thị trường kinh doanh smartphone, sản phẩm đầu tiên của hãng không phải là điện thoại thông minh mà là một hệ điều hành tùy biến dựa trên Android gọi là MIUI với trải nghiệm mượt mà và thân thiện với người dùng.
Và vào năm thứ hai, tức là vào tháng 8 năm 2011, chiếc điện thoại Xiaomi đầu tiên là Mi 1 với MIUI đã được ra mắt. Trong đợt mở bán trực tuyến đầu tiên, công ty đã bán được 300 nghìn chiếc chỉ sau 5 phút. Sự đón nhận nhiệt tình của người dùng không chỉ do trải nghiệm mượt mà của MIUI mà còn do chiến lược giá cả “không thể tin được” của Mi 11 vào thời điểm đó.
Tuy có cấu hình tương tự Samsung Galaxy S2 nhưng Xiaomi Mi 11 có giá bán chỉ bằng một nửa so với sản phẩm của Samsung. Cụ thể, flagship đầu tiên của Xiaomi được trang bị chip lõi kép Snapdragon S3 1.5GHz, màn hình 4 inch và RAM 1GB. Tất cả đều là cấu hình hàng đầu vào thời điểm đó và Mi 1 có giá chỉ khoảng 300 USD - mức giá mà không OEM nào có thể làm được điều đó, ngoại trừ Xiaomi.
Nhưng thành thật mà nói, thiết kế của chiếc điện thoại Mi đầu tiên không có gì nổi bật. Đây cũng là một trong những điểm bị chỉ trích nhiều nhất của các flagship Xiaomi trong những năm sau đó.
Vào mùa hè năm 2012, Xiaomi đã phát hành Mi 2. Máy không chỉ có chip tốt hơn mà còn có màn hình sắc nét hơn so với người tiền nhiệm. Đáng chú ý, Mi 2 còn được trang bị RAM 2GB, mức rất cao vào thời điểm đó. Với sản phẩm này, Xiaomi tiếp tục chiến lược cung cấp giá trị tuyệt vời so với giá bán nên nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dùng. Giá bán của Mi 2 là khoảng 300 USD và hàng trăm ngàn chiếc máy này đã được bán hết sau mỗi lần mở bán diễn ra trong vài phút.
Tuy nhiên, biến thể nổi bật nhất của dòng Mi 2 không phải là Mi 2 mà là Mi 2S được phát hành vào năm 2013. Trong năm đó, Xiaomi đã phát hành 3 điện thoại mới bao gồm Mi 2S, Redmi 1 và Mi 3. Mi 2S là phiên bản cải tiến của Mi 2 với MIUI mới, Snapdragon 600 và cùng mức giá 300 USD như hai sản phẩm tiền nhiệm.
Trong khi các điện thoại Android cùng thời kỳ kém mạnh mẽ hơn thì Mi 2S có lợi thế rõ ràng vào thời điểm đó với hiệu năng tuyệt vời. Nhờ vào sự hỗ trợ chính thức từ lâu MIUI 4 đến MIUI 9, Mi 2S cũng trở thành một trong những smartphone Xiaomi tồn tại lâu nhất cho tới nay.
Do hiệu suất mạnh mẽ, Xiaomi Mi 2S vẫn có thể chạy một số ứng dụng phổ biến hiện nay. Mặc dù điện thoại Mi đã đạt được thành công lớn về doanh số từ Mi 1 đến Mi 2S nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn phàn nàn vì Xiaomi luôn thiếu hàng liên tục. Nhưng lý do một phần có thể là do công ty mới khởi nghiệp nên thiếu năng lực sản xuất và không có khả năng đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường khổng lồ.
Chiếc flagship Mi 3 được phát hành vào cuối năm 2013. Xiaomi đã từ bỏ thiết kế tầm thường của những người tiền nhiệm và thay đổi Mi 3 thành một thiết kế hoàn toàn mới với vẻ ngoài đặc biệt hơn. Điện thoại đến với chip Snapdragon 800, màn hình 1080P và pin 3.050 mAh không thể tháo rời. Ngay cả với tất cả những nâng cấp đáng kể này, Xiaomi vẫn tiếp tục chiến lược giá 300 USD.
Rõ ràng, Xiaomi đã nỗ lực để mang đến một sản phẩm quan trọng với mức giá phải chăng như vậy. Tuy nhiên, Mi 3 đã trở thành mẫu điện thoại độc nhất vô nhị trong lịch sử điện thoại Mi với những đánh giá trái chiều từ người dùng. Bên cạnh những lời khen về nâng cấp đã đề cập ở trên, một số người cáo buộc công ty đã sao chép thiết kế của dòng Nokia Lumia.
Vào mùa hè năm 2014, sau thiết kế gây tranh cãi của Mi 3 thì Mi 4 đã được ra mắt. Đối với flagship này, Xiaomi tập trung vào nâng cấp thiết kế của điện thoại. Đây là lần đầu tiên một chiếc điện thoại Mi sử dụng khung kim loại bằng thép không gỉ với các đường nét cong mềm mại trên thân máy. Toàn bộ chất lượng tổng thể đã được cải thiện rất nhiều, mang lại một năm thành công cho Xiaomi.
Trong năm 2015, Xiaomi đã không ra mắt flagship Mi nào hết. Thay vào đó, công ty giới thiệu mẫu Mi Note 1 là một nỗ lực đầu tiên của thương hiệu nhắm vào thị trường cao cấp. Tuy nhiên, Note 1 đã không thành công vì nhiều nguyên nhân như thiếu cảm biến vân tay, không sử dụng chip SD810 mới nhất và quản lý nhiệt chưa tốt. Việc thiếu một mẫu flagship trong năm 2015 cho thấy bóng tối sắp tới với Xiaomi.
Vào đầu năm 2016, Mi 5 mà nhiều người mong đợi cuối cùng cũng ra mắt. Đây là điện thoại đầu tiên của hãng có mặt lưng gốm, mặt trước viền màu trắng và nút Home tích hợp cảm biến vân tay. Máy được trang bị chip xử lý mới nhất Snapdragon 820 và giá bán cũng chỉ 300 USD, khiến nó “đắt như tôm tươi” và không có hàng trên thị trường trong gần 8 tháng liên tiếp. Sự chậm trễ trong việc sản xuất của Xiaomi đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng cho Mi 5.
Sau đó đến tháng 4 năm 2017, chiếc điện thoại có danh tiếng tốt nhất từng có trong lịch sử Xiaomi là Mi 6 ra mắt. Máy đi kèm với một nút Home mới tích hợp đầu đọc dấu vân tay và thêm một camera tele. Bên cạnh thiết kế đáng khen ngợi và chất lượng xây dựng tuyệt vời, chip xử lý Snapdragon 835 cũng khiến Mi 6 trở nên hoàn hảo về mọi mặt vào thời điểm đó.
Snapdragon 835 là chip Android tốt nhất trong những năm gần đây với sức mạnh và hiệu suất làm mát tuyệt vời. Hầu như không có điểm chê nên cũng khó cho Xiaomi nếu tiếp tục gắn mức giá siêu rẻ cho Mi 6. Do đó, mẫu flagship này đã không còn giá 300 USD nữa mà tăng lên thêm khoảng 50 USD, tức là khoảng 350 USD. Tuy nhiên, mức giá đó không ngăn được người mua săn lùng Mi 6. Sự thành công của Mi 6 cuối cùng cũng đã phá vỡ rào cản về giá của những chiếc flagship của Xiaomi. Và cho đến nay, đây vẫn là chiếc điện thoại Xiaomi duy nhất chưa từng giảm giá từ khi ra mắt đến khi lên kệ.
Vào năm 2018, Xiaomi đã bỏ qua Mi 7 và phát hành Mi 8. Chiếc điện thoại này đã gây tranh cãi kể từ khi phát hành vì nó trông giống như iPhone. Điều đó khiến Mi 8 trở thành mẫu máy kém đặc biệt nhất trong dòng flagship của công ty. Ngay cả cảm biến hồng ngoại (một tính năng tiêu chuẩn trên dòng Mi) cũng bị loại bỏ trên điện thoại. Tất nhiên, Mi 8 với giá hơn 410 USD vẫn là một món hời cho chip Snapdragon 845, GPS băng tần kép, nhận dạng khuôn mặt hồng ngoại và camera nâng cấp mạnh mẽ.
Vào năm 2019, Xiaomi Mi 9 đã được ra mắt. Điện thoại có ba camera phía sau với ba độ dài tiêu cự khác nhau. Máy đạt được điểm số 107 trong bài kiểm tra DxOMark vào thời điểm đó, đứng ở vị trí thứ ba. Đây cũng là lần đầu tiên chúng ta thực sự thấy Xiaomi được khen ngợi về hệ thống camera của mình. Một điểm đáng chú ý khác trên Mi 9 là độ mỏng chỉ 7,61mm và trọng lượng 173g. Với lớp vỏ kính cong, chiếc điện thoại cho cảm giác khá ấn tượng khi cầm trên tay.
Nhưng để có được trải nghiệm cầm nắm tốt, Xiaomi đã phải giảm dung lượng pin của Mi 9 xuống còn 3.300mAh. Thời lượng pin hạn chế cũng trở thành nhược điểm lớn nhất của chiếc điện thoại này và ảnh hưởng phần nào đó tới doanh số bán hàng chung. Đồng thời, người sáng lập Xiaomi, Lei Jun cho biết tại buổi ra mắt rằng Mi 9 được bán với giá khoảng 460 USD là chiếc điện thoại cuối cùng có giá dưới mức này. Trong những năm qua, Xiaomi đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình chuyển đổi sang thị trường cao cấp.
Theo đúng lộ trình, Mi 10 được trang bị Snapdragon 865 với giá khởi điểm hơn 610 USD. Điện thoại lên kệ vào mùa xuân năm nay. Mi 10 đi kèm với camera chính 100MP, màn hình đục lỗ cong 90Hz, RAM LPDDR5 cộng với ROM UFS 3 và quan trọng nhất là hỗ trợ mạng 5G. Mặc dù máy đã có giá bán cao gần gấp đôi so với giá của các flagship như Mi 1, không nhiều người phàn nàn về chiến lược giá này của Mi 10. So với các flagship của thương hiệu khác, đây vẫn là một trong những mẫu điện thoại cạnh tranh nhất thị trường trong phân khúc giá. Ngoài Mi 10, Xiaomi đã cung cấp một số mẫu thuộc dòng sản phẩm này cho các phân khúc thị trường và khu vực khác nhau, chẳng hạn như Mi 10 Pro, Mi 10 Lite, Mi 10T Pro. Mẫu điện thoại nổi tiếng nhất là Mi 10 Ultra được sản xuất đặc biệt để kỷ niệm 10 năm kinh doanh smartphone của Xiaomi.
Nếu bạn đang tự hỏi smartphone đầu tiên trên thế giới sử dụng chip Snapdragon 888 thì đó chính là Xiaomi Mi 11 vừa ra mắt cách đây vài ngày. Thú vị hơn, đây cũng là điện thoại đầu tiên của Xiaomi được bán ra mà không kèm bộ sạc trong hộp bán lẻ. Tuy nhiên, vì không đi kèm bộ sạc nên Xiaomi sẽ cho phép người dùng chọn mua bản đi kèm sạc nhanh có dây GaN 55W với mức giá không thay đổi.
Xiaomi Mi 11 được trang bị màn hình AMOLED với kích thước 6,81 inch cùng độ phân giải WQHD+ và tốc độ làm tươi 120 Hz, tốc độ lấy mẫu cảm ứng 480 Hz, hỗ trợ HDR 10+, độ chính xác màu DCI-P32, độ sáng điển hình 900 nit hoặc tối đa lên đến 1.500 nit và được bảo vệ bằng kính cường lực Corning Gorilla Glass Victus. Thân máy được bao phủ bằng kính mờ chống lóa. Máy cũng hỗ trợ kết nối 5G, Wi-Fi 6, IR blaster, USB-C và cảm biến vân tay trong màn hình với chức năng theo dõi nhịp tim.
Để chụp ảnh, Xiaomi Mi 11 có hệ thống máy ảnh phía sau bao gồm camera góc rộng 108 MP với ống kính f/1.85, ổn định hình ảnh quang học (OIS) và công nghệ kết hợp điểm ảnh 4 trong 1. Ngoài ra còn có camera siêu rộng 123 độ 13 MP f/2.4 và camera macro 5 MP giúp lấy nét các đối tượng gần 3 cm. Máy được cài sẵn giao diện MIUI 12.5 với nhiều cải tiến lớn về hiệu quả và hệ thống loa kép Harman Kardon.
Xiaomi Mi 11 sẽ được bán ra với mức giá khởi điểm từ 3999 CNY (khoảng 610 USD), tương đương với mức giá mà dòng Mi 10 lên kệ vào đầu năm.
Theo gizmochina