Mọi thứ bạn cần biết về nhựa PP (Polypropylene)
Nhựa PP (Polypropylene) là một trong những loại nhựa được dùng rộng rãi trong mọi ngành nghề của cuộc sống như bao bì đóng gói, đồ gia dụng, thiết bị y tế...
Nhựa xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi và bạn có thể tìm thấy chúng trên hầu hết các thiết bị. Có nhiều loại nhựa được tạo ra cho nhiều mục đích khác nhau và một trong số chúng là PP hay còn gọi là Polypropylene. Đây là loại nhựa được đánh giá là an toàn nhất và được phép sử dụng để chế tạo đồ chơi cho trẻ em. Ở bài viết trước, FPT Shop đã chia sẻ cho bạn về những thông tin liên quan tới nhựa ABS. Tiếp nối chủ đề này, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nhựa PP.
Nhựa PP là gì?
Nhựa PP là một loại “polyme bổ sung” nhiệt dẻo được tạo ra từ sự kết hợp của các monome propylene. Nó được sử dụng trong nhiều ứng dụng bao gồm bao bì cho các sản phẩm tiêu dùng, các bộ phận bằng nhựa của nhiều ngành công nghiệp khác nhau (ô tô, hàng dệt may...). Polypropylene lần đầu tiên được tạo ra từ phản ứng trùng hợp của Propylen vào năm 1951 bởi hai nhà khoa học là Paul Hogan và Robert Banks. Sau đó 3 năm, nó nhanh chóng được hoàn thiện và tổng hợp thành nhựa PP như ngày nay. Đến năm 1957, loại nhựa này đã bùng nổ và bắt đầu được sản xuất thương mại rộng rãi trên khắp châu Âu. Ngày nay, nó là một trong những loại nhựa phổ biến nhất trên thế giới.
Theo một số báo cáo, nhu cầu toàn cầu đối với nhựa PP là khoảng 62 triệu tấn vào năm 2020. Những nhóm ngành sử dụng chính loại nhựa này là ngành công nghiệp bao bì với thị phần khoảng 30%, thiết bị điện tử với thị phần khoảng 13%, thiết bị gia dụng và ô tô đều chiếm 10% và vật liệu xây dựng xếp sau với 5% thị phần. Ngoài ra, có rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác cũng đang sử dụng nhựa PP.
Nhựa Polypropylene khi ở thể rắn có bề mặt khá trơn. Loại nhựa này cũng có tỷ trọng thấp so với các loại nhựa thông thường khác, chống chịu tốt ở nhiệt độ phòng trước các hóa chất nhưng lại có thể bị oxy hóa ở nhiệt độ cao hơn. Một trong những ứng dụng phổ biến khác của nhựa PP chính là khả năng uốn cong tuyệt vời khi nó được ép siêu mỏng, chẳng hạn như nắp của chai nước hoặc dầu gội dầu.
Một ưu điểm khác của nhựa Polypropylene là nó có thể dễ dàng đồng trùng hợp, tức là kết hợp thành một loại nhựa composite khi pha trộn với các loại polyme khác như polyethylene. Quá trình đồng trùng hợp làm thay đổi đáng kể các đặc tính của vật liệu, cho phép nó ứng dụng rộng rãi hơn nữa so với nhựa PP truyền thống.
Đặc điểm của nhựa PP
Một số đặc tính quan trọng nhất của nhựa PP là:
- Kháng hóa chất: Nhựa PP không phản ứng với bazơ và axit loãng. Điều đó làm cho loại nhựa này trở thành lựa chọn tốt để làm ra các sản phẩm chứa những chất lỏng như vậy, chẳng hạn lọ đựng chất tẩy rửa.
- Tính đàn hồi và độ dẻo dai: Nhựa có tính đàn hồi tốt nhưng nó cũng sẽ bị biến dạng dẻo sớm, vì vậy nó vẫn được coi là một vật liệu cứng. Độ dẻo dai là một thuật ngữ được định nghĩa là khả năng của vật liệu có thể biến dạng (dẻo, không đàn hồi) mà không bị vỡ.
- Bền bỉ: Nhựa Polypropylene vẫn giữ được hình dạng của nó sau nhiều lần xoắn, uốn nếu được làm ở dạng siêu mỏng.
- Cách điện: Loại nhựa này có khả năng chống điện rất cao và rất hữu ích cho các linh kiện điện tử.
- Trong suốt: Bản chất của nhựa PP là trong suốt nhưng nó vẫn có thể được sản xuất để có màu đục tự nhiên. Do đó, nhựa PP được sử dụng để làm ra các sản phẩm có độ trong suốt trung bình. Nếu nhà sản xuất có yêu cầu về độ trong suốt cao thì các loại nhựa như Acrylic hoặc Polycarbonate sẽ là lựa chọn tốt hơn.
Nhựa PP được phân loại là “nhựa nhiệt dẻo” (tương tự như ABS) vì nó có phản ứng với nhiệt. Loại nhựa này sẽ chuyển sang dạng lỏng ở nhiệt độ khoảng 130 độ C để các nhà sản xuất có thể đúc khuôn và tạo hình. Ở nhiệt độ thấp hơn, nó sẽ trở lại thể rắn. Do vậy, nhựa PP cũng được coi là nhựa "tái sinh".
Ưu nhược điểm của nhựa PP là gì?
Có hai loại nhựa PP là homopolyme và copolyme. Mỗi loại sẽ được ứng dụng cho mỗi ngành nghề riêng biệt. Dưới đây sẽ là ưu nhược điểm của nhựa PP mà bạn cần biết.
Ưu điểm của nhựa PP:
- Có sẵn và tương đối rẻ.
- Có độ bền uốn cao do bản chất bán tinh thể của nó.
- Có bề mặt tương đối trơn.
- Có khả năng hút ẩm rất tốt.
- Có khả năng kháng hóa chất tốt.
- Có khả năng đàn hồi tốt.
- Chịu lực va đập tốt.
- Cách điện tốt.
Nhược điểm của nhựa PP:
- Hệ số giãn nở nhiệt cao nên hạn chế các ứng dụng ở nhiệt độ cao.
- Dễ bị suy giảm bởi tia cực tím.
- Có khả năng kháng dung môi clo và chất thơm kém.
- Khó sơn vì nó có đặc tính liên kết kém.
- Rất dễ cháy.
- Dễ bị oxy hóa.
Bất chấp những khuyết điểm, nhựa PP vẫn là một vật liệu tuyệt vời. Loại nhựa này có một sự pha trộn độc đáo của những phẩm chất mà không có ở bất kỳ vật liệu nào khác làm cho nó trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Nhựa PP được ứng dụng sản xuất thành nhiều loại sản phẩm trên thị trường hiện nay. Chúng ta có thể kể tới như sau:
- Làm bao bì một lớp đựng thực phẩm.
- Tạo thành sợi, dệt thành bao bì đựng lương thực, ngũ cốc có số lượng lớn.
- Làm màng phủ ngoài đối với màng nhiều lớp để tăng tính chống thấm khí và tạo độ bóng cao cho bao bì.
- Dùng làm chai đựng nước, bình sữa cho bé, hộp bảo quản thực phẩm.