Thời kỳ sơ khai của mạng di động, hệ thống mạng cơ sở ban đầu được gọi là 1G. Khi ấy, người dùng điện thoại chỉ có thể thực hiện được hai tác vụ cơ bản nhất là gọi và nghe điện. Sự bùng nổ nhu cầu liên lạc từ xa đã thôi thúc giới chuyên môn cải tiến mạng di động để đáp ứng được nhu cầu của nhiều thuê bao và cũng đem tới nhiều dịch vụ hơn. Đó là lý do 2G, 3G, 4G và mạng di động 5G hiện tại lần lượt ra đời.

Sự khác biệt giữa 2G và 5G qua các thế hệ mạng di động
Mạng di động 2G
Tiếp nối mạng di động 1G là mạng 2G. Ra đời vào năm 1991 tại Phần Lan, mạng di động 2G là tên gọi ngắn gọn của mạng GSM (Global System for Mobile Communications). Sự xuất hiện của 2G đã tạo lợi thế để điện thoại di động phổ biến được như hiện nay nhờ lợi thế phủ sóng rộng rãi. Cơ sở hạ tầng của GSM được tạo thành bởi một mạng lưới trạm thu phát sóng, điện thoại sẽ có thể nghe gọi được khi ở trong phạm vi phủ sóng.
Trong quá trình phát triển, 2G phân chia thành hai nhóm là TDMA và CDMA với nhiều dạng kết nối. Trong đó bao gồm D-AMPS, cdmaOne và GSM/GPRS/EDGE rất quen thuộc với nhiều người dùng Việt.
Kể từ khi 2G được triển khai, chất lượng cuộc gọi trên điện thoại di động đã được cải tiến rất nhiều. Không chỉ vậy, giá cước cũng bớt đắt đỏ hơn do tiết kiệm được chi phí mã hóa dữ liệu kỹ thuật số. Mạng 2G cho phép các nhà sản xuất tạo ra nhiều mẫu điện thoại có kích thước nhỏ hơn trước, đi kèm với khả năng nhắn tin SMS.

Mạng di động 3G
3G là viết tắt của Third-generation technology – thế hệ mạng di động thứ ba. Nếu như 2G cho phép người dùng gọi điện và nhắn tin thì 3G hỗ trợ cả các tác vụ như tải tệp tin, nhận/gửi email, truyền tải hình ảnh, âm thanh hoặc tín hiệu dạng video.
Để làm được điều này, 3G ứng dụng mạng truy cập radio thực sự khác biệt nếu so sánh với 2G. Yếu tố được đánh giá cao nhất của 3G là khả năng truyền nhận dữ liệu ngay cả khi người dùng điện thoại di chuyển trên đường.
Công nghệ 3G được xây dựng với bốn chuẩn gồm W-CDMA, CDMA2000, TD-CDMA và TD-SCDMA. Hầu hết mọi smartphone lưu hành trên thị trường hiện tại đều tương thích với 3G. Bản thân Apple cũng là một công ty vang danh nhờ tận dụng được lợi thế của 3G và tung ra dòng điện thoại iPhone làm nên tên tuổi.

Mạng di động 4G
4G là mạng di động được ứng dụng rộng rãi nhất hiện nay. Công nghệ truyền tải thông tin không dây thứ tư đã được nâng cấp để đạt đến tốc độ chạm ngưỡng tối đa 1 tới 1.5Gb mỗi giây. Sự ưu việt của 4G băng thông rộng hỗ trợ người dùng có thể tải và truyền ảnh động với chất lượng cao hơn so với 3G.
Các chuẩn thương mại của 4G bao gồm WiMax Release 2, Mobile WiMax, LTE Advanced và LTE. Tốc độ của 4G cho phép ứng dụng vào việc truyền tải truyền hình trực tuyến, xem video độ phân giải HD, chơi game online, từ đó khiến cho các tác vụ giải trí được nâng cao hơn.

Mạng di động 5G
5G so với 2G, 3G và 4G là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Tốc độ mạng 5G tối đa có thể đạt tới 10Gbps (gấp 10 lần tốc độ tối đa của 4G). Sở dĩ các quốc gia hiện nay đều chạy đua phát triển mạng di động 5G là bởi ngoài tốc độ truyền tải dữ liệu vượt trội, 5G còn có độ ổn định cao.
Những lợi thế này yếu tố lý tưởng để phát triển IoT, đồng thời ứng dụng vào những công nghệ như điều khiển hạ tầng giao thông, vận hành hệ thống cảm biến đặt trong các tòa nhà và hơn thế nữa. Khi ứng dụng vào đời sống thường ngày, hãy thử tưởng tượng việc bạn có thể tải một video HD thời lượng một tiếng rưỡi chỉ trong 30 giây sẽ gia tăng trải nghiệm internet của bạn nhiều đến mức nào.
Dù còn khá mới mẻ tại nước ta nhưng dự kiến 5G sẽ phát triển rất mạnh khi các nhà mạng triển khai chính thức trên diện rộng trong thời gian tới. Ước tính kể từ tháng 6 năm sau, 5G sẽ được triển khai thương mại trên phạm vi toàn quốc, chúng ta hãy cùng chờ xem.
