Hệ điều hành S30+: Di sản quý giá mà Nokia gìn giữ cho dòng điện thoại “cục gạch”
Trải qua 8 năm đầy biến động và nhiều lần sang tên đổi chủ, Nokia vẫn giữ lại được nền tảng S30+ như một phần linh hồn không thể thiếu của dòng điện thoại cục gạch trứ danh mang tên hãng.
Trước sự nổi danh của những nền tảng như iOS hay Android, ít ai biết rằng Nokia cũng nắm trong tay một hệ điều hành lâu năm do chính các kỹ sư của hãng phát triển và vẫn luôn được sử dụng rộng rãi trên các sản phẩm bán ra trên thị trường suốt thời gian qua. Hệ điều hành này có tên là Series 30+ (S30+) và được viết riêng cho dòng điện thoại phổ thông.
S30+: Linh hồn của những chiếc điện thoại "cục gạch"
S30+ ra mắt lần đầu vào tháng 9 năm 2013 trên chiếc điện thoại phổ thông Nokia 108. Hệ điều hành này là bước cải tiến tiếp theo sau khi Nokia dừng sử dụng các nền tảng S30 và S40 trên những dòng sản phẩm của họ. Tuy có tên gọi giống nhau, nhưng S30+ có sự khác biệt rất lớn so với S30 cả về giao diện và chức năng.
Thực tế, S30+ không hẳn là một hệ điều hành đúng nghĩa, do sự tối giản trong hệ thống tính năng, bạn có thể coi đây là một nền tảng phần mềm dành cho feature phone. Nhưng chính sự đơn giản này lại làm nên “chất” riêng quen thuộc của những chiếc điện thoại kinh điển và vẫn được kế thừa đến tận bây giờ.
Tám năm thăng trầm cùng Nokia
Ra đời trong buổi xế chiều của Nokia, S30+ từng được nhiều thương hiệu nổi tiếng tiếp quản và trải qua tám năm thăng trầm. Sức sống bền bỉ của nền tảng này là điều đáng kinh ngạc nhất dù không cần quá nhiều thay đổi so với lúc ban đầu – điều rất hiếm thấy trước những diễn biến chóng mặt của thị trường di động.
Có thể chia quá trình phát triển của S30+ ra là ba thời kỳ: Giai đoạn đầu do Nokia sản xuất, giai đoạn hai do Microsoft tiếp quản và cuối cùng là giai đoạn hiện tại trong tay HMD Global.
Xuất phát điểm từ Nokia
Ban đầu, Nokia tạo dựng S30+ nhằm xây dựng một nền tảng hỗ trợ tốt cho camera, video và bluetooth trên các dòng điện thoại phổ thông. Sau đó, hãng tối ưu hóa hệ thống để chạy tốt hơn với trình duyệt Nokia Xpress và gia tăng khả năng kết nối dữ liệu GPRS (2.5G).
Trước khi Nokia tự bán mình vào năm 2014, thương hiệu Phần Lan từng tung ra ba mẫu điện thoại nổi bật chạy S30+ gồm Nokia 108, Nokia 220 và Nokia 225.
Kế thừa bởi Microsoft
Dù tiếp quản Nokia sau một thương vụ tốn nhiều giấy mực của báo chí vì quan tâm đến mảng smartphone, nhưng Microsoft không hề bỏ quên thị trường điện thoại phổ thông vốn làm nên tên tuổi cho hãng điện thoại Phần Lan từ thập kỷ trước.
Gã khổng lồ phần mềm đất Mỹ tiếp tục kế thừa và phát triển S30+ và đem tới nhiều cải tiến về mặt tính năng như giúp tương thích với camera VGA, hỗ trợ GPRS – EDGE, tăng khả năng lưu trữ danh bạ. Ngoài ra, Microsoft cũng tận dụng thế mạnh của mình để đưa vào nền tảng này các ứng dụng do chính hãng phát triển như GroupMe của Skype.
Đến cuối thời kỳ sở hữu Nokia, Microsoft đưa vào S30+ nhiều dấu ấn riêng như việc thiết kế giao diện mang hơi hướng Windows 10 Mobile, đồng thời hỗ trợ người dùng sử dụng tài khoản Microsoft để đăng nhập và trải nghiệm. Các sản phẩm tiêu biểu chạy S30+ trong thời kỳ này có thể kể đến như Nokia 130, Nokia 215, Nokia 105, Nokia 222 hay Nokia 230.
Nắm giữ bởi HMD Global
Từ năm 2016 đến nay, HMD nắm quyền sở hữu thương hiệu Nokia và S30+ cũng nằm trong tay họ. Nền tảng dành cho feature phone vẫn được hãng tiếp tục phát triển, sử dụng trên các mẫu điện thoại đáng chú ý đã và đang lên kệ trên thị trường vào lúc này.
Hiện S30+ đã đạt được độ hoàn thiện tối ưu và phát huy tối đa những ưu thế cần có của một chiếc điện thoại cơ bản. Trải nghiệm hệ thống tính năng, giao diện và bộ thao tác cử chỉ dựa trên phím bấm của S30+ sẽ cho bạn thấy như quay trở lại thời kỳ sử dụng cầm trên tay những “huyền thoại” Nokia 5310 hay Nokia 6300 đình đám.
Những chiếc điện thoại nổi bật đang sử dụng S30+
Nokia 105 SS (2019)
Giá chính hãng: 369.000 đồng
Nokia 105 SS (2019) là chiếc điện thoại có diện mạo sẽ khiến bạn liên tưởng đến “huyền thoại” Nokia 1110i siêu bền trước kia. Sản phẩm có giá chưa đến 400 ngàn đồng này vẫn sở hữu màn hình màu và ghi nhận thời lượng pin ấn tượng lên đến 14 tiếng nếu gọi điện thoại liên tục.
Cùng với trải nghiệm phần mềm quen thuộc, bạn có thể tìm về tuổi thơ bằng những tựa game hot một thời như “rắn săn mồi”, Tetris hay Sky Gift.
Nokia 150 DS (2020)
Giá chính hãng: 659.000 đồng
Bạn có còn nhớ bàn phím T9 quen thuộc trên những chiếc điện thoại Nokia ngày nào? Nokia 150 DS phiên bản 2020 phát huy thế mạnh về trải nghiệm nghe, gọi và nhắn tin trước kia với sự nâng cấp ở màn hình lớn 2.4 inch.
Sản phẩm chạy hệ điều hành S30+, sở hữu camera VGA cùng đèn flash và kết nối bluetooth. Tất nhiên, tựa game “rắn săn mồi” huyền thoại cũng góp mặt trên Nokia 150 DS 2020.
Nokia 215 DS 4G
Giá chính hãng: 749.000 đồng
Nokia 215 DS 4G nằm trong danh mục những chiếc điện thoại Nokia “cục gạch” được tích hợp kết nối 4G LTE nhanh nhạy. Lợi thế này giúp nâng tầm các trải nghiệm viễn thông như nghe và nhận cuộc gọi trên sản phẩm lên một tầm cao mới. Dù được trang bị 4G, Nokia 215 DS vẫn ghi nhận thời gian đàm thoại lên đến 8 tiếng.
Ngoài ra, HMD Global đã cải tiến S30+ để hỗ trợ các trải nghiệm tính năng cao cấp với 4G như lướt Facebook hay sử dụng trình duyệt để truy cập internet nhanh chóng.
Nokia 5310 (2020)
Giá chính hãng: 999.000 đồng
Là chiếc điện thoại lấy cảm hứng từ Nokia 5310 Express Music “hot hit” một thời, Nokia 5310 (2020) sử dụng hệ điều hành S30+ và thực sự đem tới nhiều cảm giác hoài niệm khi trải nghiệm. Phong cách thiết kế của phiên bản 2020 vẫn gợi nhớ nhiều đến người tiền nhiệm với hai dải điều chỉnh phát nhạc ở cạnh bên máy.
Nokia 5310 (2020) sở hữu màn hình 2.4 inch, hỗ trợ thẻ nhớ ngoài tối đa 32GB để lưu trữ nhạc và được trang bị viên pin 1.200 mAh có thể kéo dài cả tuần mà không cần sạc.