Và theo một báo cáo mới nhất từ Bloomberg, các quan chức Trung Quốc đang xem xét khả năng bán TikTok tại Mỹ cho Elon Musk.
Các kịch bản đang được cân nhắc
Nguồn tin từ Bloomberg tiết lộ rằng Trung Quốc đang cân nhắc các phương án dự phòng cho TikTok, đồng thời cố gắng thiết lập mối quan hệ hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đáng chú ý, ông Trump dự kiến sẽ bổ nhiệm Elon Musk vào nội các của mình sau khi nhậm chức cuối tháng này, tạo cơ hội cho một thương vụ tiềm năng liên quan đến TikTok.

Một trong các kịch bản đang được thảo luận là việc Elon Musk thông qua công ty X mua lại TikTok tại Mỹ. Với hơn 170 triệu người dùng tại Mỹ, TikTok có thể mang lại giá trị lớn cho X trong việc thu hút nhà quảng cáo. Đồng thời, công ty xAI của Musk, vốn chuyên về trí tuệ nhân tạo cũng sẽ hưởng lợi từ khối lượng dữ liệu khổng lồ mà TikTok sở hữu, giúp thúc đẩy các sáng kiến AI của Musk.
Hiện tại, ByteDance (công ty mẹ của TikTok) dường như không có vai trò quyết định lớn trong quá trình này. Báo cáo nhấn mạnh rằng vẫn chưa có thông tin xác nhận về việc liệu Elon Musk, ByteDance, TikTok hoặc chính phủ hai nước đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp hay chưa. Đại diện từ Musk, Bộ Ngoại giao Trung Quốc và ByteDance hiện đều từ chối đưa ra bình luận chính thức.
Được biết, Chính phủ Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát ByteDance thông qua một cơ chế "cổ phần vàng" trong một công ty liên kết, cho phép Bắc Kinh có tiếng nói trong các quyết định quan trọng. Thêm vào đó, các quy định xuất khẩu của Trung Quốc ngăn cản việc bán các thuật toán cốt lõi của TikTok, yếu tố được xem là quan trọng nhất và cũng gây tranh cãi nhất trong hoạt động của ứng dụng.
Giá trị kinh tế và rủi ro địa chính trị
Hoạt động của TikTok tại Mỹ hiện được định giá khoảng 40 tỷ USD (khoảng 1 triệu tỷ đồng). Tuy nhiên, việc tách TikTok khỏi ByteDance để vận hành tại Mỹ không chỉ đơn thuần là một bài toán kinh tế mà còn là một thách thức lớn về mặt địa chính trị. Những quy định nghiêm ngặt về công nghệ, cùng với áp lực từ cả hai phía Mỹ và Trung Quốc, làm tăng thêm độ phức tạp cho vấn đề này.
Ngay cả Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng tỏ ý muốn trì hoãn lệnh cấm TikTok để có thêm thời gian đàm phán, tìm ra một giải pháp đảm bảo ứng dụng này tiếp tục hoạt động tại Mỹ. Dẫu vậy, kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các cuộc thương thảo giữa các bên liên quan và cách chính phủ Trung Quốc xử lý những vấn đề nhạy cảm xoay quanh thương vụ này.