Hiệu năng chip Apple M1 trong thực tế có như quảng cáo?
Apple đã quảng cáo rất nhiều về con chip tùy chỉnh của mình với hiệu năng vượt trội so với chip Intel trước đây. Vậy hiệu năng thực tế của Apple M1 như thế nào?
Tại WWDC 2020 diễn ra vào tháng 6, Apple đã có một thông báo lớn tới giới công nghệ về việc họ sẽ thay thế hoàn toàn chip xử lý Intel trên máy Mac sang chip tùy chỉnh riêng của mình. Con chip mới của nhà Táo sẽ dựa trên kiến trúc ISA của ARM. Khi quá trình chuyển đổi diễn ra hoàn toàn, Intel và AMD sẽ có lý do để lo lắng về việc mất thị phần. Cho tới thời điểm này, Intel đã trở thành nhà sản xuất chip duy nhất cho Mac của Apple trong 15 năm qua. Mặt khác, công ty Curpetino cũng là một trong những đối tác lớn nhất của ARM.
Nếu bạn không biết, ARM là một loại cấu trúc vi xử lý kiểu RISC được sử dụng rộng rãi trong các thiết kế di động, mang tới các con chip tiết kiệm năng lượng những hiệu quả cao. Do đó, kiến trúc này thực sự hoàn hảo để dành cho các chip di động trên smartphone và tablet. Trong suốt chiều dài lịch sử, Apple đã luôn sử dụng các con chip dựa trên kiến trúc ARM trên iPhone và iPad. Nhờ vào kinh nghiệm và tiềm lực tài chính lớn, nhà Táo đã định hình việc tạo ra các bộ xử lý tương tự trên iPhone nhưng dành cho các PC. Đó là lý do mà Apple bắt đầu tiến vào thị trường chip dành cho PC.
Kết quả hiện tại là bộ xử lý Apple M1 trên MacBook Air M1 mới, MacBook Pro M1 13 inch mới và Mac Mini mới. Mặc dù chỉ là bước đầu trong kế hoạch thay thế chip Intel nhưng nhiều người dùng vẫn tin tưởng vào tương lai của con chip mới này. Tuy nhiên, hiệu năng thực tế của chip M1 ra sao? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm câu trả lời trong bài viết này nhé.
Tổng quan
Do cũng là một bộ xử lý bình thường nên Apple M1 cung có các thành phần bên trong kiến trúc tổng thể là CPU, GPU, Neural Engine và I / O. Trong thông cáo báo chí của mình, gã khổng lồ Cupertino đã tuyên bố rằng chip có 16 tỷ bóng bán dẫn và được sản xuất bằng quy trình 5nm.
Đối với kiến trúc của CPU, chip M1 sẽ có 4 nhân hiệu suất cao để đảm nhiệm việc xử lý các tác vụ cần hiệu năng mạnh của từng nhân và 4 nhân khác tiết kiệm năng lượng để phục vụ những nhiệm vụ đòi hỏi hiệu năng thấp hơn. Trong khi đó, nó được tích hợp GPU tùy chỉnh 8 lõi. Theo Apple, chip mới của hãng mang lại hiệu suất CPU mạnh gấp 3,5 lần so với Intel Core i7-1060NG7 1,2 GHz được trang bị trên MacBook Air cuối cùng dựa trên chip Intel.
Điểm chuẩn của Apple M1
Trong bài viết, mẫu máy Mac mà mình sử dụng để kiểm tra hiệu năng của Apple M1 là MacBook Air. Laptop được trang bị chip với CPU 8 lõi / GPU 8 lõi, 8GB RAM và 512GB dung lượng lưu trữ.
Đối với bài kiểm tra hiệu suất các lõi trên Geekbench, MacBook Air sử dụng chip Apple M1 ghi được 1.690 điểm cho bài kiểm tra lõi đơn. Đây là điểm số cao hơn tất cả các bài kiểm tra lõi đơn khác trên chip Intel trong máy Mac hiện tại.
Trong bài kiểm tra đa lõi, MacBook Air với chip Apple M1 ghi được kết quả là 7.304 điểm. Do có 8 lõi CPU nên chúng ta không thể kỳ vọng một điểm số cao tuyệt đối cho chip của Apple vì một vài máy Mac khác dùng chip Intel có tới 28 lõi (càng nhiều lõi thì điểm số càng cao). Tuy vậy, điểm đa lõi của M1 vẫn đánh bại mọi máy Mac dùng chip Intel khác mà không phải là Mac Pro hay iMac 27 inch (phiên bản 2019 và 2020). Đó là kết quả vô cùng ấn tượng cho bộ xử lý PC đầu tiên của Apple.
Sử dụng một phần mềm kiểm tra hiệu năng khác là Cinebench R23, Apple M1 trên MacBook Air mới cho điểm số đơn lõi 1.515 điểm. Kết quả này tiếp tục vượt qua Intel Core i7-7700K, Intel Core i7-1060NG7, AMD Ryzen Threadripper 2990. Nó chỉ kém một chút so với điểm của chip Intel Core i7-1165G7 (thế hệ thứ 11).
Đối với điểm đa lõi trên Cinebench R23, Apple M1 trên MacBook Air mới cũng không thực sự nổi bật trong danh sách. Đơn giản vì M1 chỉ có 8 lõi mà không phải là 16, 24 hay 32 lõi như các con chip khác từ Intel hay AMD. Tuy nhiên, nó vẫn đánh bại các mẫu chip khủng khác như Intel Core i7-7700K và Intel Core i7-1060NG7 (trên thế hệ trước của MacBook Air).
Kiểm tra tốc độ xử lý
Tốc độ xử lý thực tế là một bài kiểm tra quan trọng vì hiệu năng của một máy tính không thể chỉ dựa trên các điểm số từ các phần mềm như Cinebench hay Geekbench. Trong phần này, mình sẽ sử dụng một bài kiểm tra tiêu chuẩn mà chuyên trang androidauthority đang sử dụng trên MacBook Air dùng M1. Kết quả để máy tính hoàn thành xong thử nghiệm là 56 giây, vượt qua kết quả mà MacBook Pro 16 inch 2019 với i9-9980HK và MacBook Pro 13 inch 2019 với i7-8569U từng ghi được trong bài test tương tự. Do đó, hiệu năng của chip M1 thực sự vô cùng ấn tượng trong thực tế.
Nhiệt độ
Các kết quả thử nghiệm hiệu năng của MacBook Air dùng chip M1 là ấn tượng trong thế giới thực. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng Apple đã không sử dụng hệ thống làm mát bên trong chiếc máy tính xách tay này. Do đó, mọi người có thể sẽ lo lắng về vấn đề nhiệt độ trong suốt quá trình sử dụng. Nó rất quan trọng vì khi nhiệt độ quá cao thì chip thường bị giảm hiệu năng.
Chuyên trang androidauthority đã đo được nhiệt độ bề mặt khoảng 20°C trên MacBook Air mới khi sử dụng ở các tác dụng bình thường. Đối với các nhiệm vụ cần hiệu năng tối đa của CPU và GPU, mức nhiệt độ bề mặt đo được tăng lên khoảng 41°C. Trong suốt quá trình thử nghiệm, máy Mac được kết nối với bộ sạc khiến nhiệt độ cũng sẽ tăng lên nhanh hơn. Tuy nhiên, mức nhiệt tối đa đo được trên máy tính là không hề đáng lo ngại.
Ngoài ra, pin đã ngừng sạc (mặc dù nó không đầy và cụ thể chỉ đạt gần 80%). Đây có thể là do phần mềm phát hiện tình trạng nhiệt độ máy tính cao và dừng sạc để đảm bảo rằng thiết bị không trở nên quá nóng. Khi áp lực lên bộ xử lý đã giảm, máy tính xách tay sẽ bắt đầu sạc lại.
Để kiểm tra xem nhiệt độ MacBook Air mới (hoặc chip M1) tăng lên có khiến hiệu năng của nó giảm đi không thì mình đã sử dụng bài kiểm tra đa lõi từ Cinebench R23. Kết quả đạt được ở mức nhiệt 41°C là 7.110, giảm từ 7.336 (thấp hơn 5% so với khi test trong trạng thái nhiệt độ ổn định). Điều này có nghĩa là bộ xử lý tạo ra nhiệt khi phải hoạt động hết công suất trong thời gian dài nhưng tản nhiệt thụ động của MacBook Air mới khá ấn tượng nên tình trạng này không tác động nhiều tới tổng thể hiệu suất máy tính.
Kết luận
Về cơ bản, Apple M1 đã chứng tỏ rằng nó có hiệu năng rất ấn tượng trong thế giới thực mà không chỉ là quảng cáo. Tất nhiên, đây không phải là con chip nhanh nhất hành tinh nhưng nó là bộ xử lý nhanh nhất từng được sử dụng trong máy tính xách tay Mac. Trong mọi tác vụ, M1 đều đáp ứng được một cách nhanh chóng và dễ dàng. Đó là điều mà bạn không thể đạt được khi sử dụng các mẫu MacBook Air dùng chip Intel trước đây.
Điều đó cũng có nghĩa là Apple đã thực hiện thành công những bước đầu tiên trong việc thay thế bộ vi xử lý Intel trong dòng máy Mac của mình. Trong tương lai, chúng ta có thể tin tưởng rằng phiên bản chip kế nhiệm M1 để sử dụng cho iMac chắc chắn sẽ rất ấn tượng.
Theo androidauthority