Jasmine - vào ngày 17/12/2020
2 Bình luận
Năm 2020 là một năm khó khăn cho các nhà sản xuất điện thoại thông minh vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có rất nhiều các sản phẩm tuyệt vời như Pixel 4a 5G, Galaxy S20 FE, iPhone 12 series… cùng hàng loạt các mẫu máy có màn hình gập lại hoàn hảo. Tuy vậy, chúng ta đều mong muốn có thêm sự phát triển lớn hơn trong ngành công nghiệp này trong năm tiếp theo. Dưới đây là 7 tính năng mà mình hy vọng là tiêu chuẩn cơ bản cho các điện thoại thông minh ra mắt vào năm 2021.
Năm 2020, chúng ta chứng kiến sự ra mắt của một số điện thoại thông minh có màn hình tần số quét cao. Không chỉ là 90Hz, nhiều màn hình còn hỗ trợ tốc độ làm tươi lên tới 120Hz như dòng Galaxy S20 hoặc 144Hz ấn tượng. Về cơ bản, màn hình tần số quét cao sẽ tạo ra một sự khác biệt lớn trong trải nghiệm xem của người dùng. Nó tạo ra cảm giác rằng mọi thứ chuyển động rất nhanh và mượt mà trước mắt. Mọi thứ di chuyển trên màn hình dường như đáp ứng đúng với thao tác cảm ứng của bạn theo một cách hoàn hảo, không có hiện tượng trễ hoặc giật hình.
Nhiều người dùng đã khó có thể quay lại các màn hình 60Hz truyền thống khi đã sử dụng trên một điện thoại hỗ trợ tốc độ làm tươi cao hơn. Các nhà sản xuất cũng đã cố gắng mang lại tính năng này trên các điện thoại tầm trung của mình trong năm qua. Hy vọng, màn hình tần số quét cao sẽ xuất hiện phổ biến hơn trên smartphone ra mắt vào năm 2021, ngay cả khi nó chỉ là 90Hz mà không phải 120 Hz.
Hầu hết các điện thoại hàng đầu hiện nay đều có sạc không dây nhưng công nghệ này chưa phổ biến trên các thiết bị giá rẻ hơn. Theo một số báo cáo, nhiều smartphone tầm trung sẽ hỗ trợ công nghệ này trong năm 2021. Sạc không dây thực sự tiện lợi hơn sạc có dây nhiều mặc dù nó không nhanh bằng. Với bộ sạc không dây, bạn có thể chỉ cần đặt điện thoại xuống miếng đệm để sạc theo cách dễ dàng nhất mà bạn có thể tưởng tượng.
Tính năng này có thể khó xuất hiện phổ biến hơn so với sạc không dây nhưng nó vẫn nên là một tính năng mở rộng trên nhiều smartphone trong năm tới. Với sạc không dây ngược, điện thoại của bạn thực sự sẽ trở thành một bộ sạc dự phòng di động. Bạn có thể sử dụng điện thoại để sạc lại những thiết bị hoặc phụ kiện có pin nhỏ hơn trong nhiều trường hợp.
Một số công ty đã và đang làm rất tốt công việc này là Apple và Google. Nhưng với những nhà sản xuất khác, họ vẫn không cung cấp các bản cập nhật phần mềm kịp thời vào năm 2020. Hầu hết các nhà sản xuất điện thoại Android không phải Google đều có thể làm tốt hơn những gì họ làm ngay bây giờ. Tất nhiên, các OEM đó sẽ khó khăn hơn trong việc tùy chỉnh giao diện riêng dựa trên Android mới. Nhưng đó không phải vấn đề lớn nhất vì mỗi bản cập nhật lớn bạn cũng thường phải chờ đợi trong vài tháng, chưa nói đến các bản vá bảo mật quan trọng để giữ an toàn cho điện thoại của bạn.
Trong một thế giới công nghệ ngày càng phát triển nhanh, các nhà sản xuất nên triển khai gấp rút hơn các bản cập nhật HĐH và bảo mật cho điện thoại Android. Điều đó sẽ giúp cho trải nghiệm người dùng nâng cao hơn rất nhiều.
Trang digitaltrends đã nhận xét rằng: “Các ứng dụng bàn phím riêng của mỗi hãng thường rất tệ”. Chuyên trang này cho biết hai OEM lớn trong ngành là Samsung và LG đã tạo ra các bàn phím rất tệ với thao tác vuốt không chính xác, tính năng chỉnh sửa văn bản kém và bố cục bất hợp lý. Nói chung, họ nhận định rằng bàn phím Gboard của riêng Google thật tuyệt vời dành cho điện thoại Android.
Vấn đề chính là điều đó khiến cho nhiều người dùng không biết cách thay đổi bàn phím nghĩ rằng các điện thoại Android đều có trải nghiệm nhập liệu tệ như nhau. Nếu bạn là người dùng Android chưa dùng thử Gboard thì bạn nên thử nó. Và cuối cùng, các nhà sản xuất nên đặt Gboard trở thành bàn phím mặc định trên Android.
Máy ảnh phía sau đã có rất nhiều tính năng mới tuyệt vời trong vài năm qua nhưng camera selfie đã không có những cải tiến như vậy. Lý do là vì có những hạn chế nhất định đối với cảm biến và ống kính nhỏ của camera trước, đặc biệt là với các dạng camera đục lỗ như hiện nay. Có lẽ bước tiến lớn tiếp theo nên có trên smartphone ra mắt năm 2021 chính là camera trước có khả năng lấy nét tự động (AF).
Hiện tại, phần lớn các camera trước chỉ hỗ trợ lấy nét cố định dẫn đến độ sâu trường ảnh rất sâu (hay còn được hiểu là mọi thứ đều được lấy nét), bao gồm toàn bộ hậu cảnh trong ảnh. Điều đó có ý nghĩa vì nó đảm bảo rằng mọi thứ được lấy nét cho dù bạn cầm thiết bị của mình ở khoảng cách nào. Tuy nhiên, nó cũng khiến cho bức ảnh của bạn không có điểm nhấn. Để nâng cao chất lượng ảnh chụp từ camera trước thì các nhà sản xuất nên trang bị tính năng lấy nét tự động cho nó.
Âm thanh không dây ngày càng phổ biến. Do đó, các nhà sản xuất điện thoại nên áp dụng các tiêu chuẩn âm thanh Bluetooth mới nhất, bao gồm cả công nghệ như AptX HD. AptX HD về cơ bản cho phép bạn truyền âm thanh “lossless” qua Bluetooth, có nghĩa là bạn có thể trải nghiệm được âm thanh chất lượng CD hoặc tốt hơn mà không cần phải kết nối với tai nghe có dây. Một số điện thoại đã áp dụng công nghệ này nhưng không phải tất cả. Thật tuyệt khi thấy tính năng sẽ có trên mọi điện thoại thông minh ra mắt vào năm tới.
Theo digitaltrends